Quảng Nam: Nhờ vốn ưu đãi tiếp sức, nhiều nông dân đã mạnh dạn làm giàu
Ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc cho biết, những năm qua từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Trong 9 tháng năm 2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc đã hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ do Ngân hàng cấp trên giao. Tổng doanh số cho vay đạt 89.761 triệu đồng, tổng doanh số thu nợ đạt 55.389 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 371.023 triệu đồng, tăng 34.330 triệu đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 10%.
Điểm sáng trong thời gian qua của đơn vị là đã tiếp vốn cho nhiều nông dân trẻ khởi nghiệp và đã đạt được kết quả rất ấn tượng, điển hình như mô hình trồng cỏ nuôi bò của anh Bùi Tiến Vũ (xã Đại Hồng), hay mô hình trồng nấm các loại của chị Nguyễn Thị Phi Anh (xã Đại Lãnh)…
Qua sự giới thiệu của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Đại Lộc, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của chị Nguyễn Thị Phi Anh 38 tuổi, ở thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc.
Trò chuyện cùng phóng viên Etime, chị Anh cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, làm kế toán cho một công ty tư nhân tại Đà Nẵng được một thời gian, nhưng cuộc sống không mấy khá giả. Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, chị bắt đầu tìm tòi trên mạng xem các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, chị Anh đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng nấm bào ngư tím, nấm linh chi vì đây là các loại nấm dễ trồng, dễ tiêu thụ.
Từ đó chị Anh đã nghiên cứu mô hình trồng nấm các loại, và đã đi tham quan học hỏi mô hình trồng nấm có tiếng của anh Nguyễn Văn Nhi ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Nắm vững kiến thức, năm 2016 chị trở về quê nhà xã Đại Lãnh để bắt đầu con đường khởi nghiệp trồng nấm của mình.
Ban đầu do vốn ít, nên chị chỉ trồng khoảng 2.000-3.000 bịch phôi nấm, mô hình trồng nấm ngày càng phát triển ổn định, cho năng suất. Thấy mô hình phát huy hiệu quả chị đã vay 90 triệu đồng của NHCSXH huyện Đại Lộc để mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, mỗi năm chị sản xuất hơn 100.000 bịch phôi nấm theo hình thức gối đầu. Hiện mỗi tháng chị Anh bán ra thị trường khoảng 500kg nấm các loại, với giá bán giao động từ 40.000-50.000 đồng/1kg, ngoài ra chị còn sản xuất bịch phôi nấm bán cho bà con nông dân, với giá bán 6.000 đồng/bịch phôi nấm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí chị Anh lãi 200 triệu đồng.
Chị Anh chia sẻ thêm, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay chị nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã Đại Lãnh. Đặc biệt, là nguồn vốn NHCSXH huyện Đại Lộc đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chị mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.
Theo chị Anh, nhiều nông dân trẻ như chị ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Chị thấy NHCSXH có chính sách ưu đãi cho vay đối với các đối tượng chính sách như chị là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
"Thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Lộc để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, nhất là ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...", ông Lê Tấn Hùng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc cho hay.