Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển

16/01/2021 18:18 GMT+7
Ngót nghét đã 40 năm ông Phạm Duy Trinh (67 tuổi, trú thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gắn bó với nghề làm mắm truyền thống của cha ông. Dẫu nghề này vất vả, ít lời nhưng đã giúp ông gìn giữ nghề truyền thống, tạo nguồn kinh tế ổn định, khấm khá.

Giọt tinh túy của biển

Theo lời kể của ông Trinh, nghề làm mắm thủ công ở Duy Hải gắn liền với nghề đi biển của người dân làng chài nơi đây. Hầu như nhà nào cũng có ít chum vại muối cá làm mắm, vì đây là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Hiện nay, địa phương có 4 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, trong đó cơ sở của ông Trinh có quy mô lớn nhất.

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 1.

Ông Phạm Duy Trinh, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh (thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Ông Trinh cho biết: "Từ đời ông cha tôi đã biết muối cá làm mắm, nhưng làm với số lượng ít. Đến năm 1980, tôi tiếp nối nghề truyền thống, phát triển lên thành cơ sở sản xuất quy mô, uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm. Dù có những lần nước mắm truyền thống bị "yếu thế" khi cạnh tranh với nước mắm công nghiệp, nhưng tôi vẫn giữ niềm đam mê và tiếp tục gắn bó".

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 2.

Làm mắm theo tỷ lệ 100kg cá: 40kg muối, ủ trong 1 năm, sau đó rút lù để lấy nước mắm.

Từ những tài nguyên vô giá của biển cả là muối và cá, ông Trinh áp dụng công thức thủ công truyền thống để chắt lọc ra những giọt mắm tinh túy. Cơ sở của ông chủ yếu sản xuất nước mắm từ cá cơm than, được đánh bắt nhiều từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch.

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 3.

Xưởng mắm của ông Trinh rộng gần 2.000m2, chứa khoảng 45 bể xi măng và nhiều thùng gỗ lớn.

Ông Trinh cho hay, cá cơm sau khi làm sạch sẽ được trộn theo tỷ lệ 100kg cá: 40 kg muối. Nên sử dụng muối vùng Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) vì hạt muối to, trắng, chắc và không lẫn tạp chất sẽ giúp cá chín ngon hơn. Trộn đều nguyên liệu rồi cho vào bể xi măng ủ trong khoảng 1 năm.

Sau đó, áp dụng dây chuyền máy móc hiện đại để đưa nguyên liệu thô từ bể vào vào thùng gỗ lớn, cho rút lù lấy nước mắm. Tiếp tục công đoạn lọc tạp chất lẫn trong mắm là người làm sẽ thu được những giọt mắm tinh khiết nhất, thơm ngon, có màu đỏ cánh gián hoặc vàng rơm.

Sản phẩm OCOP 3 sao

Ông Phạm Duy Trinh tâm sự: "Quy trình làm mắm nghe thì đơn giản, nhưng để cho ra nước mắm chất lượng thì không dễ dàng gì. Từ tỷ lệ muối phải ở mức đủ cho cá chín tới, đến khâu vệ sinh phải sạch sẽ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu tay nghề không tỉ mỉ, cẩn trọng thì mẻ mắm đó coi như bỏ".

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 4.

Mắm đã chín được chuyển vào thùng gỗ để rút lù, nước mắm thành phẩm có màu đỏ cánh gián hoặc vàng rơm, thơm mùi cá, hương vị mặn mòi.

Trên diện tích gần 2.000m2, cơ sở sản xuất nước mắm Duy Trinh làm nhiều loại mắm: mắm cá cơm, cá nục, cá giò, mắm nêm, mắm ruốc…với giá từ 30.000-50.000 đồng/lít. Vào rộ mùa cá cơm, mỗi ngày ông Trinh có thể muối gần 1 tấn cá, sản xuất gối đầu nên luôn có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho khách hàng. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông xuất bán khoảng 40.000 lít nước mắm, tiêu thụ mạnh tại TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên…

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 5.

Nước mắm có giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/lít (tùy loại), tiêu thụ mạnh tại TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên…

Bà Nguyễn Thị Lanh (66 tuổi), vợ ông Trinh tâm sự: "Dù nghề làm mắm thủ công cực nhọc và ít lời, nhưng cũng nhờ đó vợ chồng tôi có đời sống khấm khá, nuôi con cái ăn học thành tài. Bên cạnh đó, cơ sở đã tạo việc làm cho 4 phụ nữ ở địa phương với mức lương 270.000 đồng/người/ngày".

Theo ông Trinh, phương pháp sản xuất nước mắm rút lù hay chắt lọc thì đều cho chất lượng như nhau. Tuy nhiên, mắm trong thùng gỗ cho rút lù sẽ có mùi thơm hơn, lợi công sản xuất. Bên cạnh việc nâng cấp xưởng mắm khang trang, ông Trinh còn mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất, thiết kế mẫu mã, nhãn mác bắt mắt phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Quảng Nam: U60 có đời sống khấm khá nhờ chung thủy với nghề làm ra giọt tinh túy của biển - Ảnh 6.

Nước mắm nhĩ sau khi rút lù sẽ tiếp tục được lọc tạp chất và đóng chai.

"Dù nước mắm truyền thống không cạnh tranh bằng nước mắm công nghiệp, nhưng với chất lượng thơm ngon tự nhiên và sự tin cậy của người tiêu dùng nên sản phẩm của tôi không sợ ế. Hiện nay, nguồn nguyên liệu cá tươi dồi dào, chỉ sợ không đủ tiền để thu mua thôi. Ngoài ra, tôi cũng thấy vui khi con trai út quyết định nối nghề truyền thống", ông Trinh hào hứng nói.

Năm 2019, sản phẩm nước mắm Duy Trinh được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh Quảng Nam. Đây là niềm vui lớn khích lệ tinh thần sản xuất của người dân, đồng thời định ra một hướng phát triển mới cho sản phẩm nước mắm truyền thống quê hương.

Tuyết Nhung - Trần Hậu
Cùng chuyên mục