Quảng Ngãi: Hội nông dân thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả
Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững thông qua việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ vốn vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (viết tắt là NĐ 116 và NĐ 55) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh nông nghiệp bền vững.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện NĐ 55 và NĐ 116 trên địa bàn 04 huyện: Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ và Sơn Tây trong năm 2024 của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, việc giải ngân đồng vốn tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn thông qua Nghị định 55/2015/NĐ-CP có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các thành phần kinh tế ở nông thôn.
Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, Tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở nông thôn. Tính đến ngày 30/10/2024, tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghĩa Hành đạt 84,169 tỷ đồng/1.037 hộ vay; tại chi nhánh Minh Long dư nợ đạt 5,650 tỷ đồng/72 hộ vay...
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cho vay trực tiếp có ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh và Đoàn thanh niên trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo bền vững.
"Đến nay dư nợ cho vay trực tiếp có ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 5.623 tỷ đồng, chiếm trên 99,8% dư nợ NHCSXH tỉnh đang quản lý. Chất lượng tín dụng ủy thác ngày càng được nâng cao..." – bà Linh phấn khởi nói.
Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng gắn với đào tạo nghề
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm, việc thực hiện ủy thác vay vốn ưu đãi qua hệ thống ngân hàng Agribank, NHCSXH đã giúp cho hàng ngàn nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Nhờ đó góp phần tích cực giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bênh cạnh đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, Hội, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời và sự tham gia hưởng ứng của toàn thể người dân. Trong năm 2024, tại huyện Ba Tơ đã thực hiện chính sách chi hỗ trợ người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho 24 lao động, tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực, 02 ngày hội tư vấn tuyển sinh...
Tương tự, tại huyện Sơn Tây đã tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm có hơn 1.300 lao động được tư vấn, có 20 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia giới thiệu việc làm. Thông qua việc đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề chăn nuôi gia súc, gia... cho lao động. Phần lớn sau khi được đào tạo nghề, các lao động đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội nông dân tỉnh Quảng Ngãi, việc thực thi NĐ 55 và NĐ116 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như: Việc phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân với chi nhánh ngân hàng chưa nhịp nhàn. Các dự án cho vay chưa có mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Nhiều hội viên nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản dẫn đến khó khăn trong thủ tục vay và sử dụng nguồn vốn vay...
Theo Hội nông dân Quảng Ngãi, để đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề và thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, các cấp Hội cần bám sát nội dung thực hiện chính sách tín dụng đúng theo quy định để hội viên nông dân hưởng lợi từ các chính sách tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện tốt nhất để hội viên được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tham gia các lớp khóa đào tạo, tìm kiếm việc làm ổn định tại các khu công nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.