Quảng Ngãi: Cấm cửa bè bơm cát làm ảnh hưởng nạo vét vũng neo đậu 401 tỷ
Liên quan đến chuyến đi kiểm tra hiện trường để gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đã kéo dài gần 12 năm qua của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, nhiều vấn đề bất cập được các cấp ngành, đơn vị thi công kiến nghị xử lý.
Một trong những nội dung phản ánh đáng chú ý của đơn vị thi công đến người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, đó là hoạt động của bè hút cát, phục vụ cho việc trồng tỏi, hành của một số cá nhân, nhóm người trên đảo.
Cụ thể sau khi lấy cát từ khu vực biển ở ngoài rìa của đảo, đưa lên bè và chở vào khu vực bờ phía tây của Vũng neo đậu (hiện đang được thi công nạo vét), cát được đổ lại xuống để bơm hút tập kết lên bờ, dẫn đến 1 số lượng cát tồn đọng và bồi lắng lại ở lòng vũng neo đậu.
Giải thích về việc vì sao không trực tiếp bơm hút trên bè để đưa cát lên bờ, mà phải đổ lại xuống nước rồi mới bơm hút lên, theo người dân Lý Sơn, phải có nước thì mới bơm hút đưa lên được.
"Trong khi phải tốn nhiều công sức, chi phí và thời gian để xử lý tình trạng bồi lắng ở khu vực này, thì hoạt động kiểu kể trên của số bè lấy cát, làm cho việc nạo vét chẳng khác nào công cốc", đại diện các đơn vị thi công bức xúc.
Ngay sau khi nghe phản ánh trên và kiểm tra thực tế hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo và giao trách nhiệm cho chính quyền Lý Sơn và BQL Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, khẩn cấp chấn chỉnh ngay tình trạng này, tạm thời cử lực lượng chốt ngay tại cửa của vũng neo đậu, không cho số bè chở cát vào khu vực đang thi công để đổ cát xuống bơm, hút lên bờ tập kết.
Đại diện chính quyền huyện Lý Sơn cho biết qua thống kê sơ bộ, có khoảng 10 nhóm và cá nhân ở địa phương tham gia làm bè lấy cát.
Trong thời gian đến huyện sẽ họp với các cá nhân và nhóm người này và yêu cầu, nếu không thay đổi việc đưa cát từ bè lên bờ bằng hình thức khác (như dùng băng chuyền), sẽ cấm không cho đưa bè chở cát vào Vũng neo đậu.
Được biết tỏi, hành không chỉ là 2 loại cây trồng chính mà nhờ có hương vị thơm, ngon đặc biệt, đây còn là đặc sản nổi tiếng của đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên cùng với phần đất thịt trãi phía dưới, cát biển là loại không thể thiếu để sử dụng phủ phía trên bề mặt ruộng trước khi trồng hành, tỏi. Hàng năm sau mỗi vụ trồng, lớp cát này (phủ trên mặt) phải được cào bỏ, phủ lại lớp mới.
Theo người dân Lý Sơn, bình quân số lượng cát mới cần sử dụng để thay lớp đất cũ khoảng 3m3/sào (500m2/sào). Với diện tích đất trồng tỏi, hành hàng năm của Lý Sơn khoảng 300 ha, tính ra lượng cát cần sử dụng lên đến con số nhiều chục ngàn m3/năm.
Nếu như những năm trước đó, cát biển được người dân khai thác ở ven bờ, hoặc đào sâu phía dưới lớp đất mặt ruộng để lấy. Nhưng sau một thời gian dài khai thác, hiện số cát biển ở những vị trí và khu vực này đã cạn kiệt.
Vì vậy để có cát thay thế, người dân phải làm bè nổi rồi đặt máy hút, đưa ra khu vực biển nằm cách bờ nhiều chục mét để hút lên, rồi đưa vào để sử dụng.