Quảng Ngãi: Siết chặt khai thác cát biển để trồng “vàng trắng” ở đảo Lý Sơn
Sáng 17/2, đại diện chính quyền huyện Lý Sơn xác nhận với PV Etime, đã ký và ban hành văn bản nghiêm cấm việc khai thác cát biển trái phép trên địa bàn, để phục vụ trồng tỏi, hành, 2 loại nông sản chính được ví là "vàng trắng, tím" ở đảo này.
Theo chính quyền nơi đây thời gian qua do nhiều nguyên nhân, công tác quản lý của các cấp ngành chức năng địa phương đối với việc khai thác cát của một số nhóm người, cá nhân trên địa bàn còn lơi lỏng, gây nhiều ý kiến không hay trong dư luận. Vì vậy trong thời gian đến, địa phương sẽ siết chặt hơn tình trạng này.
Cụ thể chính quyền huyện Lý Sơn yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nếu có nhu cầu khai thác cát để phục vụ trồng tỏi, phải làm hồ sơ trình cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền tỉnh phê duyệt, cấp phép. Các trường hợp khai thác trái phép sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Được biết tỏi, hành không chỉ là 2 loại cây trồng chính mà nhờ có hương vị thơm, ngon đặc biệt, đây còn là đặc sản nổi tiếng của đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên cùng với phần đất thịt trãi phía dưới, cát biển là loại không thể thiếu để sử dụng phủ phía trên bề mặt ruộng trước khi trồng hành, tỏi. Hàng năm sau mỗi vụ trồng, lớp cát này (phủ trên mặt) phải được cào bỏ, phủ lại lớp mới.
Theo người dân Lý Sơn, bình quân số lượng cát mới cần sử dụng để thay lớp đất cũ khoảng 3m3/sào (500m2/sào). Với diện tích đất trồng tỏi, hành hàng năm của Lý Sơn khoảng 300 ha, tính ra lượng cát cần sử dụng lên đến con số nhiều chục ngàn m3/năm.
Nếu như những năm trước đó, cát biển được người dân khai thác ở ven bờ, hoặc đào sâu phía dưới lớp đất mặt ruộng để lấy. Nhưng sau một thời gian dài khai thác, hiện số cát biển ở những vị trí và khu vực này đã cạn kiệt.
Vì vậy để có cát thay thế, người dân phải làm bè nổi rồi đặt máy hút, đưa ra khu vực biển nằm cách bờ nhiều chục mét để hút lên, rồi đưa vào để sử dụng.