Quảng Ngãi: Đầu tư 43,5 tỷ để phát triển, chế biến rau quả
Sáng 11/4, trao đổi với PV Etime, đại diện chính quyền Quảng Ngãi cho biết, việc phát triển bền vững ngành chế biến rau quả trên địa bàn, dựa trên cơ sở kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mà cấp thẩm quyền tỉnh này đã phê duyệt trước đó.
Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành chế biến rau quả của tỉnh phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến, gắn với các vùng sản xuất ra quả tập trung, sản lượng hàng hoá lớn.
Sản phẩm rau quả đưa ra thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Cụ thể đến năm 2030, trên 50% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; tổn thất sau thu hoạch giảm bình quân trên 1%/năm; thu hút 3-5 doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả.
Để đạt được kết quả trên, Quảng Ngãi sẽ đầu tư tổng kinh phí 43,5 tỷ đồng cho lĩnh vực này, trong đó phần ngân sách nhà nước là 39,5 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 4 tỷ đồng.
Theo đại diện chính quyền Quảng Ngãi, số kinh phí trên sẽ được đầu tư để xây dựng, hình thành các vùng sản xuất rau quả tập trung; các mô hình, dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả.
Trong đó ưu tiên lựa chọn để phát triển một số loại rau quả chủ lực mà địa phương có lợi thế sản xuất, liên kết với các khu vực, địa phương xung quanh để tạo vùng rau quả tập trung, quy mô hàng hoá lớn.
Đầu tư nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, chế biến tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu từ sản phẩm thô,sang sản phẩm chế biến tinh và sâu; phát triển chế biến rau quả chủ lực, đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng.
Đầu tư và chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ; tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại,quảng bá và giới thiệu sản phẩm; đa dạng hoá các kênh phân phối; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm rau quả của tỉnh nhà…
Các Sở NN&PTNT, Công Thương, KHĐT và cấp ngành chuyên môn, liên quan khác là những đơn vị được cấp thẩm quyền tỉnh giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp và tổ chức thực hiện để đến năm 2030, đạt kết quả cao nhất theo đề án phát triển ngành chế biến rau quả mà tỉnh đã ban hành.