Quảng Ninh: Quy hoạch đảo Cô Tô thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng lớn của cả nước
Tổng diện tích lập quy hoạch là hơn 5.175ha, trong đó diện tích lập quy hoạch trực tiếp 1.500ha (không nghiên cứu vào đất rừng tự nhiên, hạn chế tối đa nghiên cứu quy hoạch vào đất quốc phòng).
Khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện đảo Cô Tô gồm các đảo chính: Cô Tô lớn, Thanh Lân, Cô Tô con, đảo Trần, các đảo nhỏ khác và khu vực biển trong phạm vi danh giới huyện với giới hạn như: Phía Bắc giáp đảo Cái Chiên, đảo Vĩnh Thực; Phía Nam giáp vùng biển Bạch Long Vỹ; Phía Đông giáp hải phận quốc tế; Phía Tây giáp huyện Vân Đồn.
Theo bản quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Cô Tô đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050, Quảng Ninh sẽ phát triển Cô Tô trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa và sinh thái biển đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó, đây cũng là trung tâm hậu cần nghề cá, trung tâm cứu hộ - cứu nạn vùng Đông Bắc.
Huyện đảo Cô Tô sẽ liên kết chặt chẽ với hyện Vân Đồn trở thành vùng du lịch Cô Tô – Vân Đồn, được xác định là 1 trong 2 điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, quy hoạch cũng xác định nâng cao vai trò và vị trí của Cô Tô khi kết nối với TP.Hạ Long, TP.Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, lịch sử.
Lãnh đạo UBND huyện Cô Tô cho biết, quy hoạch chung của huyện Cô Tô vừa được ban hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như củng cố an ninh quốc phòng đối với huyện đảo tiền tiêu này. Địa phương cũng xác định rõ thế mạnh của du lịch Cô Tô là nguồn tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái rừng, biển phong phú, đây chính là mấu chốt thu hút khách du lịch đến với đảo, vì thế, để phát triển du lịch bền vững, việc bảo tồn, phát huy các giá trị thiên nhiên luôn được địa phương quan tâm.
Đáng chú ý, tuyến cáp treo kết nối đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân sẽ được xây dựng, vị trí ca cáp treo tại phía Đông Nam đảo Cô Tô lớn và phía Nam đảo Thanh Lân.
Hiện, Thanh Lân là một trong những xã đảo tương đối còn hoang sơ và rất phù hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gần gũi với thiên nhiên. Theo quy hoạch, tại đây sẽ có các khu nghỉ dưỡng gia đình; trải nghiệm du lịch khám phá tự nhiên; tận dụng khu vực phía Nam đảo để xây dựng thủy cung.
Quảng Ninh cũng sẽ cho mở rộng quy mô cảng khách hiện có kết nối với Vân Đồn, Hạ Long, không gian có thể tiếp nhận được các tàu du lịch lớn, kết hợp chức năng phòng tránh trú bão cho các tàu thuyền hoạt động quanh đảo.
Bên cạnh đó, bổ sung các không gian phù hợp cho một số dịch vụ du lịch mới như sân golf, các loại hình du lịch bãi biển tại khu vực Hải Tiến, Vạn Chảy phía Tây Bắc đảo.
Đa dạng hóa các loại hình không gian như tổ hợp vui chơi giải trí ven vịnh Trường Xuân phía Đông đảo; không gian du lịch nổi trên hồ; không gian khu neo đậu du thuyền cao cấp không gian dịch vụ du lịch bãi biển Hồng Vàn; không gian trải nghiệm cuộc sống cộng đồng làng chài ven biển và trên biển. Ngoài ra, khu vực san hô phía Đông đảo sẽ được tận dụng để tổ chức không gian và các hoạt động khám phá biển.
Trong quy hoạch Cô Tô mới công bố, Quảng Ninh nhấn mạnh nguyên tắc chung là hạn chế tối đa việc xâm hại khu vực rừng tự nhiên; xác định không gian các vùng bảo tồn, vùng quân sự, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong bối cảnh phát triển mới của đảo.
Với quy hoạch này, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, Cô Tô sẽ đón khoảng 600.000 lượt khách và có 3.400 phòng lưu trú. Đến năm 2040, huyện đảo này sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách và có 9.400 phòng lưu trú.