Quy định mới về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cần chú ý nhất

16/01/2022 07:57 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2020/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu để hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Quy định mới về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cần chú ý nhất - Ảnh 1.

Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu trong 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Theo đó, Nghị định 11 sửa đổi, bổ sung “Phạm vi điều chỉnh” như sau: Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (viết tắt là Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK) trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (viết tắt là Hiệp định UKVFTA).

Nghị định 11 sửa quy định về “Hồ sơ đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm” như sau: Mẫu Giấy chứng nhận lại chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 9 theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK.

Về trình tự thực hiện chứng nhận chủng loại gạo thơm, Nghị định nêu rõ: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt tổ chức thẩm định và chứng nhận vào mục 10 mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định số 103/2020/NĐ-CP đối với gạo thơm xuất khẩu sang EU hoặc Phụ lục VIa ban hành kèm theo Nghị định này đối với gạo thơm xuất khẩu sang UK; trường hợp không chứng nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bên cạnh đó, Nghị định 11 cũng sửa quy định về “Trách nhiệm của Cục Trồng trọt” như sau: Công bố trên Cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách tổ chức khảo nghiệm; tên tổ chức, cá nhân được chứng nhận chủng loại gạo thơm, Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm đã cấp hoặc hủy bỏ; Danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được cập nhật sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA; Danh mục gạo thơm xuất khẩu sang UK được cập nhật sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại Hiệp định UKVFTA.

Quy định mới về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU cần chú ý nhất - Ảnh 2.

Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường tiềm năng này.

Được biết, trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU bị áp thuế 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. 

Khi EVFTA có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm. 

Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi xuất khẩu gạo sang EU trong 11 tháng 2021 đạt khoảng 54 nghìn tấn, tương đương 38 triệu USD, chỉ tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy doanh nghiệp đang bắt kịp xu hướng sản xuất các loại giống chất lượng cao (gạo thơm, gạo hạt dài, gạo đặc sản) hướng tới thị trường cao cấp. Tuy nhập khẩu gạo của EU từ Việt Nam có xu hướng tăng nhưng thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn rất thấp, chỉ chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021.

Trong số các thị trường thành viên EU, gạo Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 10 triệu USD), Hà Lan (đạt 6 triệu USD), Italy (đạt 6 triệu USD) và Ba Lan (đạt 4 triệu USD). Gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. 

Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh lớn vẫn chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường tiềm năng này. 


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục