Quy hoạch sân bay Côn Đảo đón 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng
Những năm gần đây, lượng khách tới Cảng hàng không (sân bay) Côn Đảo liên tiếp tăng trưởng theo các năm, vượt tốc độ dự báo trong hồ sơ quy hoạch được duyệt. Sân bay Côn Đảo được phê duyệt giai đoạn đến năm 2025, chỉ đạt 500.000 hành khách/năm. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2010 - 2016, sân bay này đã đạt mức tăng trưởng trung bình 22,7%/năm.
Năm 2020, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng vận chuyển hành khách tại sân bay Côn Đảo vẫn đạt 447.750 hành khách, tăng 4,1% so với năm 2019. Công suất tiếp nhận hành khách tại sân bay Côn Đảo đã vượt qua công suất nhà ga hành khách hiện tại.
Nhằm nâng cấp hạ tầng sân bay Côn Đảo đáp ứng nhu cầu phát triển, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa phê duyệt quy hoạch sân bay Côn Đảo là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Sân bay Côn Đảo được quy hoạch cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Theo đó, sân bay Côn Đảo được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm, có thể khai thác máy bay code C hoặc tương đương. Sân bay có tổng số 8 vị trí đỗ tàu bay.
Sân bay Côn Đảo sẽ mở rộng và nâng cấp đường cất hạ cánh trên nền đường cất hạ cánh hiện hữu đạt kích thước 1.830mx45m, lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m; xây dựng đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh khoảng 172,5m; xây dựng 3 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay.
Về các công trình quản lý, điều hành bay, sẽ xây dựng mới đài kiểm soát không lưu phía Đông nhà ga hành khách; Quy hoạch hệ thống đèn tiếp cận chính xác CAT I đầu 11; hệ thống đèn tiếp cận giản đơn đầu 29; Lắp đặt hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác CAT I tại đầu 11 của đường cất hạ cánh.
Ngoài những hạng mục nêu trên, sân bay Côn Đảo cũng được nghiên cứu lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo xâm nhập đường cất hạ cánh (ARIWS), hệ thống giám sát đa điểm (MLAT), hệ thống ra đa thời tiết, hệ thống giám sát bề mặt đường cất hạ cánh, hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim khi có nhu cầu. Việc xác định vị trí được chuẩn xác trong các bước tiếp theo để đảm bảo hệ thống trang thiết bị hoạt động tối ưu.
Nhà ga hành khách cảng hàng không được quy hoạch xây dựng nhà ga mới phía Đông Nam nhà ga hiện hữu, 2 cao trình, đáp ứng công suất khai thác 2 triệu hành khách/năm; dự trữ quỹ đất mở rộng về phía Đông khi có nhu cầu.
Quy hoạch vị trí nhà ga hàng hóa phía Tây nhà ga hành khách trên khu đất có diện tích khoảng 4.315m, xây dựng khi có nhu cầu. Nghiên cứu bố trí điểm xử lý hàng hóa đảm bảo khai thác 4.400 tấn hàng hóa/năm tại khu đất dự kiến quy hoạch nhà ga hàng hóa.
Bộ GTVT cũng quy hoạch xây dựng nút giao giữa đường khu đô thị và đường trục vào sân bay. Cụ thể, đường trục vào cảng được quy hoạch xây dựng đồng bộ với nhà ga hành khách gồm 1 đường trục chính 4 làn xe chạy kết nối từ tuyến đường trục khu đô thị Cỏ Ống vào khu vực cảng hàng không.
Tổng nhu cầu đất quy hoạch khoảng hơn 181 ha, gồm hơn 104 ha diện tích đất cảng hàng không hiện hữu và diện tích đất bổ sung khoảng gần 77 ha. Trong đó, diện tích đất hàng không dân dụng là hơn 52,5ha, diện tích đất quân sự hơn 9,3ha, diện tích đất dùng chung hơn 119 ha.