Quỹ ngoại PYN Elite Fund không còn là cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại TPBank

Linh Anh
23/04/2025 10:36 GMT +7
Theo báo cáo từ TPBank, PYN Elite Fund không còn là cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank; HoSE: TPB) đã cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, tính đến ngày 17/4, quỹ ngoại PYN Elite Fund (NON-UCITS) không còn nằm trong danh sách này.

Được biết, PYN Elite Fund là quỹ đầu tư do PYN Fund Management (Phần Lan) thành lập, tập trung vào các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, tại thời điểm 30/8/2024, PYN Elite Fund đang nắm giữ gần 79 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,59% vốn điều lệ. Sau đó, quỹ nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 104 triệu cổ phiếu, tương đương 4,728% vào ngày 30/9/2024.

Nguồn: TPBank.

Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn đã được ghi nhận khi đến ngày 2/4/2025, tỷ lệ sở hữu của quỹ này giảm xuống còn 2,15%, tương đương hơn 56,7 triệu cổ phiếu TPB. Và với cập nhật mới nhất ngày 17/4, PYN Elite Fund không còn là cổ đông lớn tại TPBank.

Theo kết quả kinh doanh sơ bộ, TPBank báo lãi trước thuế quý I đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của TPBank trong quý I đạt gần 4.500 tỷ đồng.

Cụ thể, thu nhập từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3.380 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục là điểm sáng khi đạt 910 tỷ đồng, tăng 27% so với quý I/2024, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ năm trước.

Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024.

Trình cổ đông kế hoạch lãi 9.000 tỷ, tăng 18%

Ngày 24/4 tới đây, TPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. Đại hội dự kiến sẽ tập trung thảo luận về kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, cùng các vấn đề liên quan.

Năm 2025, TPBank trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với kết quả 2024. Ngân hàng dự kiến đến cuối năm, tổng tài sản tăng trưởng gần 8% lên 450.000 tỷ đồng. Huy động tăng hơn 12% lên 420.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% lên 313.750 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.

Đặc biệt, TPBank dự kiến trình đại hội phương án chia cổ tức tiền tỷ lệ 10%, đồng thời tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Số vốn tăng thêm sẽ được cân đối sử dụng cho đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển công nghệ thông tin và mở rộng mạng lưới kinh doanh; bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh; bổ sung vốn hoạt động cho Ngân hàng…

Theo báo cáo của Ban Điều hành, năm 2025, TPBank sẽ thay đổi về cơ cấu tổ chức, giải thể Khối Xử lý và thu hồi nợ sáp nhập vào Khối Pháp chế và Khối Giám sát tín dụng và phân luồng xử lý nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ tinh giảm đầu mối nhân sự các cấp trung gian, nâng cao năng suất, tối ưu định biên, tăng cường lực lượng bán hàng và giảm nhân sự gián tiếp nhờ ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình. Tiếp tục kiểm soát định biên nhân sự toàn hàng, tập trung ưu tiên cho các đơn vị kinh doanh và dự án trọng điểm, rà soát các đơn vị có năng suất thấp, xử lý các nhân sự yếu kém.

Đối với phân khúc khách hàng cá nhân, TPBank triển khai kinh doanh theo phân khúc khách hàng mục tiêu, phát triển khách hàng mới theo những địa bàn và tệp khách hàng mục tiêu cụ thể, tập trung vào các khách hàng chất lượng để mang về CASA và các cơ hội bán sản phẩm dịch vụ.

Tiếp tục triển khai cải tiến các sản phẩm cho vay cốt lõi như cho vay bất động sản, cho vay mua ô tô, cho vay kinh doanh theo hướng đổi mới. Đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm số mới theo mô hình hợp tác đối tác, gia tăng dư nợ cho vay trên kênh số…