Quyền lực truyền thông quá lớn là lý do Alibaba khó thoát tầm ngắm của Bắc Kinh

23/04/2021 12:14 GMT+7
Khoản nộp phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD có thể giúp Alibaba tạm thoát khỏi cuộc đàn áp chống độc quyền của Bắc Kinh. Nhưng mối lo ngại lớn hơn lúc này: năng lực truyền thông khổng lồ của Alibaba vẫn đang bị giới chức Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Bên cạnh việc sở hữu hai nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmall, Alibaba còn thàn công xây dựng cho mình một đế chế truyền thông bao gồm báo chí, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và nền tảng phát sóng trực tuyến, mạng xã hội, trang web video, công ty sản xuất phim và các đại lý quảng cáo.

Đối với Alibaba, những nền tảng truyền thông này là công cụ hiệu quả thu hút người dùng vào trong một hệ sinh thái khép kín ở thời điểm các công ty công nghệ lớn đang cạnh tranh để phát triển hệ sinh thái toàn diện tử thương mại điện tử cho đến giải trí. Nhưng tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Alibaba trong việc tạo và phân phối nội dung đến lượng lớn người dùng đại lục đang khiến đế chế công nghệ này rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh.

“Cuộc đàn áp” Alibaba bắt đầu khi Ant Group, công ty con chuyên mảng fintech của Alibaba bị hủy thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD. Cuộc điều tra sau đó về hành vi độc quyền của Alibaba khiến cổ phiếu hãng này tụt mạnh 16%, đưa Alibaba vào cơn sóng gió. Các nhà quan sát cho rằng nguyên cớ trực tiếp khiến Alibaba lâm vào chuỗi ngày vận hạn là do Jack Ma làm mất lòng Bắc Kinh, nhất là sau bài phát biểu công khai hôm 24/10 năm ngoái. Trong bài phát biểu, Jack Ma đã thẳng thắn chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, ví các ngân hàng với “tiệm cầm đồ”, nơi chỉ những ai có tài sản thế chấp hoặc được bảo lãnh mới được vay tiền.

Quyền lực truyền thông quá lớn là lý do Alibaba khó thoát tầm ngắm của Bắc Kinh - Ảnh 1.

Nộp phạt 2,8 tỷ USD, đại gia công nghệ Alibaba vẫn khó thoát tầm ngắm của Bắc Kinh

Alibaba là gã khổng lồ tiên phong trong sự phát triển lĩnh vực internet Trung Quốc từ 2 thập kỷ trước. Thời điểm đó, nó nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý Bắc Kinh đã chặn hàng loạt dịch vụ internet do Facebook và Google cung cấp khỏi thị trường tỷ dân vào những năm 2009-2010 để tạo điều kiện cho sự lớn mạnh của Alibaba. Nhưng có vẻ giờ đây, khi Alibaba nắm giữ quyền lực thị trường quá lớn trong tay, sự phát triển của nó bắt đầu đi ngược lại lợi ích của giới cầm quyền.

Alibaba sở hữu tờ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong, nền tảng phát trực tuyến video Youku và 30% thị phần của trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Weibo. Các công ty con của Alibaba cũng sở hữu lượng cổ phần lớn ở Bilibili - trang web video tương tự nền tảng Youtube; tập đoàn tin tức Yicai Media Group; các trang tin tức kỹ thuật số 36Kr và Huxiu.com cùng công ty quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất Trung Quốc Focus Media, công ty quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nikkei đã đầu tư vào 36Kr.

"Công bằng mà nói, quyền kiểm soát của Alibaba đối với thông tin, phương tiện truyền thông và dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc đã vượt xa những gã khổng lồ công nghệ ở các quốc gia khác" - nhận định của ông Zhu Ning, giáo sư tài chính kiêm phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải.

Ảnh hưởng của Alibaba đối với lĩnh vực thông tin truyền thông cũng như công chúng đã được thể hiện rõ nét trong hai vụ việc gần đây, được cho là đã góp phần khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ và siết chặt giám sát tập đoàn này.

Tháng 12 năm ngoái, trang tin tức kinh doanh Huxiu do công ty con Ant Group trực thuộc Alibaba hậu thuẫn đã lên án các quy định chống độc quyền của Bắc Kinh trong một bài xã luận, cảnh báo rằng “một cuộc đàn áp” như vậy có thể kìm hãm sự phát triển của các công ty internet và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc. Bài báo với giọng điệu rõ ràng ủng hộ Alibaba được xuất bản sau khi cơ quan quản lý thị trường mở cuộc điều tra đối với đế chế công nghệ này.

Bài báo đã nhanh chóng bị xóa khỏi trang web của Huxiu ngay sau đó.

4 tháng sau, Alibaba phải chịu khoản phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD do vi phạm quy định chống độc quyền.

Một vụ việc khác liên quan đến Weibo, nền tảng mạng xã hội mà Alibaba là cổ đông lớn thứ hai. Nền tảng này bị phát hiện xóa các bài đăng, đóng bình luận và gỡ bỏ các chủ đề tìm kiếm thịnh hành để dập tắt những tin đồn liên quan đến một giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba vào năm ngoái.

Bình luận về vụ việc, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ trích cách tiếp cận "thô thiển và đơn giản hóa quá mức" của Alibaba. "Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến sức mạnh định hướng dư luận của Alibaba” - bài báo nhấn mạnh.

Khi côn chúng ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ để tiếp cận thông tin, sự ảnh hưởng của các đại gia công nghệ đối với dư luận cũng theo đó tăng lên.

Ông Zhu Ning cũng nhận định rằng các động thái gần đây của Twitter và Facebook khi đóng vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội của cựu Tổng thống Trump cũng khiến Bắc Kinh nâng cao cảnh giác. “Sức mạnh mà các công ty internet này đã thể hiện trong việc ảnh hưởng đến các đường lối hoạch định chính sách. Nó vượt quá những gì một chính phủ có thể chấp nhận”.

Theo công ty nghiên cứu eMarketer, Alibaba chiếm hơn 30% thị phần trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số của Trung Quốc vào năm 2020. Tập đoàn thương mại điện tử này làm việc với hơn 4.000 đối tác truyền thông và 100.000 ứng dụng di động để phân phối quảng cáo, bao phủ 98% dân số Trung Quốc.

Leo Sun, chuyên gia công nghệ từ  The Motley Fool cho biết mục đích khoản đầu tư vào truyền thông của Alibaba "chủ yếu là để mở rộng hệ sinh thái của mình bằng mọi giá để ngăn chặn các công ty đối thủ như Tencent và Baidu thống trị không gian mạng".

Ngược lại, các đối thủ của Alibaba cũng đã đầu tư đáng kể vào phương tiện truyền thông. Ví dụ, Baidu đã mua lại mảng kinh doanh phát trực tiếp của nền tảng truyền thông xã hội video Joyy vào năm ngoái với giá 3,6 tỷ USD. Còn Tencent thậm chí phát triển nền tảng video và trang tin tức trực tuyến của riêng mình, đồng thời đầu tư vào Kuaishou và Bilibili.

Nhưng ông Sun tin rằng Tencent, Baidu và ByteDance khó có khả năng bị chính phủ giám sát chặt chẽ như trường hợp của Alibaba, bởi vì các khoản đầu tư truyền thông của các công ty công nghệ này vẫn liên quan mật thiết đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và không có quy mô quá lớn như Alibaba. Các nhà lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng có cách tiếp cận khéo léo và dễ chịu hơn, ít khi phản ứng trước những yêu cầu hay chính sách của chính phủ. Điều này hoàn toàn trái ngược với Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba.


NTTD
Cùng chuyên mục