Sagri đang kinh doanh thế nào?

12/07/2020 06:45 GMT+7
Báo cáo tài chính những năm gần đây của Sagri đều chi chít ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán liên quan đến những khoản đầu tư.

Báo cáo tài chính những năm gần đây của Sagri đều chi chít ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán liên quan đến những khoản đầu tư.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa bị khởi tố Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vì những sai phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thành lập cuối năm 1996 trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ hải sản của TP HCM.

Báo cáo hoạt động kinh doanh ba năm gần nhất cho thấy doanh thu và lợi nhuận lên xuống bất thường, đỉnh điểm có năm lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng.

Sagri đang kinh doanh thế nào?  - Ảnh 1.

Sagri đã triển khai bảy dự án trọng điểm như đầu tư cụm công nghiệp, trại heo giống, nhà máy giết mổ gia súc gia cầm...

Từ giữa năm 2016, ban lãnh đạo cũ, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng thành viên Vân Trọng Dũng và Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng liên tiếp phê duyệt các dự án lớn theo hình thức góp vốn.

Sagri đã triển khai bảy dự án trọng điểm như đầu tư cụm công nghiệp, trại heo giống, nhà máy giết mổ gia súc gia cầm... Doanh nghiệp còn hợp tác phát triển bốn dự án khu công nghiệp và đô thị dịch vụ liền kề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên các khu đất có tổng quy mô gần 1.900 hecta nhưng đến nay đã bị ngừng thực hiện theo chủ trương của UBND TP HCM. Hai trong số bốn dự án ngừng thực hiện có hình thức đầu tư tương đối giống nhau.

Cụ thể, Sagri và Tập đoàn Trung Thuỷ ký hợp đồng thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung thuỷ Sagri vào tháng 8/2016 để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất 650 hecta tại huyện Củ Chi. Công ty này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Sagri góp và sở hữu 36%. Theo hợp đồng, phía Trung Thuỷ tự nguyện cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn (59 tỷ đồng), không tính lãi trong ba năm và thanh toán thêm cho Sagri 500 triệu đồng mỗi hecta chi phí đầu tư vào đất.

Trước đó một tháng, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, Sagri hợp tác với Công ty Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco để thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp VinEco Sagri phục vụ mục đích phát triển dự án nông nghiệp trên khu đất 470 hecta. Sagri lần lượt bàn giao mặt bằng, trong khi ngược lại VinEco cho vay 72 tỷ đồng vốn góp và không nhận lãi. Điểm đáng chú ý là các đợt bàn giao đất đều được thực hiện trước khi hai bên ký hợp đồng hợp tác.

Dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào giữa 2017, nhưng sau đó không đầy nửa năm, Thanh tra thành phố kết luận việc ký hợp đồng không đúng quy định. Cuối năm 2018, thành phố thu hồi và huỷ bỏ quyết định đầu tư, tương tự việc đã làm với dự án hợp tác cùng Trung Thuỷ.

Công ty TNHH Nông nghiệp VinEco Sagri đến cuối năm 2019 có lãi luỹ kế gần 29 tỷ đồng, nhưng Hội đồng thành viên của Sagri vẫn ra nghị quyết giải thể và hoàn tất các nghĩa vụ thuế để ngừng hoạt động. Tuy nhiên, việc thanh lý hợp đồng hợp tác đến nay chưa hoàn tất do Tổng công ty phải giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng biến động đối với mọi tài sản theo chỉ đạo của UBND TP HCM.

Trong giai đoạn này, Sagri còn hợp tác với Tổng công ty Phong Phú xây dựng khu nhà ở tại quận 9 với quy mô hơn 3,7 hecta. Tỷ lệ góp vốn lần lượt là 28% và 72%. Khi được chấp thuận đầu tư, Sagri đã chuyển nhượng dự án cho Phong Phú không qua đấu giá và thẩm định để xác định giá thị trường. UBND TP HCM giữa năm ngoái thu hồi, huỷ bỏ quyết định cho phép chuyển nhượng và buộc hai công ty thanh lý hợp đồng, xử lý tồn tại tài chính.

Đầu tư và sai phạm tại các dự án này được xem là nguồn cơn khiến nhiều lãnh đạo của Sagri như Chủ tịch Hội đồng thành viên Vân Trọng Dũng, Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng, Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thuý bị tạm giam để điều tra tội danh tương tự ông Trần Vĩnh Tuyến.

Trong báo cáo tài chính công bố cuối tháng 5, ban lãnh đạo Sagri cho rằng năm ngoái, doanh nghiệp phải đối diện hai sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh. Thứ nhất, cơ quan thuế truy thu tiền đất các năm cũ và tính lại tiền thuê đất theo hệ số mới. Hai là vụ án hình sự khiến nhiều vị trí cấp cao bị khuyết trong nửa cuối năm.

"Không ai trong ban lãnh đạo mới sử dụng quyền lực được giao để có được lợi ích nào khác ngoài nhận lương thưởng và thù lao từ tổng công ty", ông Phạm Thiết Hoà, tổng giám đốc mới được bổ nhiệm tháng 12/2019, nói trong văn bản công bố báo cáo tài chính.

Trong khi đó, phía kiểm toán tiếp tục nêu 7 ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo này do nhận thấy nhiều bất hợp lý trong việc ghi nhận chi phí điều chỉnh tiền thuê đất, hợp nhất số liệu và trích lập dự phòng nợ phải thu từ công ty con. Đồng thời, họ nhấn mạnh cơ sở ghi nhận các khoản đầu tư liên doanh – liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu là không chắc chắn.

Tính đến cuối năm ngoái, Sagri có vốn điều lệ 1.690 tỷ đồng và giữ nguyên các ngành nghề kinh doanh chính như sản xuất, mua bán giống và thương phẩm các loại vật nuôi, cây trồng; chế biến và giết mổ gia súc, gia cầm.

Tổng công ty được giao chỉ tiêu doanh thu của công ty mẹ và công ty con năm nay đạt 1.472 tỷ đồng, lãi trước thuế 42 tỷ đồng. Đồng thời, phân các dự án đầu tư thành ba nhóm gồm đang phát triển, ngưng thực hiện và chờ chủ trương mới. Thay vì mở rộng dàn trải nhiều dự án lớn, UBND TP HCM yêu cầu Sagri tập trung vào các hoạt động cốt lõi như mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ nông sản, tăng năng suất lao động, phát triển con giống chất lượng.


Thiên Ngân/Vnexpress
Cùng chuyên mục