Sản lượng cá nuôi thương phẩm toàn cầu sẽ vượt 40 triệu tấn, Việt Nam cần chú ý gì?
Theo đó, dự báo tăng trưởng sản lượng cá hồi tiếp tục ở mức 4,4% trong năm 2021 và tăng thêm 5% vào năm 2022. Tăng trưởng nguồn cung cá hồi vân trong năm 2021 là từ các nước Phần Lan, Trung Quốc, Đan Mạch, Nga, Thụy Điển và những nước khác.
Với cá rô phi, ngành nuôi cá rô phi đang phục hồi tốt sau đại dịch. Trong đó, Trung Quốc, Indonesia và Ai Cập chiếm 75% tổng sản lượng cá rô phi. Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng cá rô phi đã chậm lại kể từ sau đại dịch, với khối lượng dự kiến sẽ tăng dưới 1% trong năm 2021 và năm 2022.
Tại Indonesia, sau 4 năm sản xuất ổn định, sản lượng cá rô phi của nước này được dự đoán sẽ tăng 6,1% vào năm 2022. Tăng trưởng sản lượng cá rô phi tại các nước châu Á khác như Banglades, Philippine, Thái Lan và Việt Nam đều cao hơn trong năm 2021.
Ở châu Phi, tăng trưởng sản lượng cá rô phi tại Ai Cập chậm lại, tăng 3% kể từ năm 2020 trở đi, giảm so với mức tăng trung bình 7,6% trước đại dịch. Sản lượng cá rô phi của Brazil dự kiến tăng 10,5% trong năm 2021, và sản lượng có thể vượt 400 nghìn tấn vào năm 2022.
Đáng chú ý nhất là thông tin về sản lượng cá tra. Theo đó, sản lượng cá tra tại Việt Nam tiếp tục tăng, theo khảo sát của GOAL cho thấy có thể đạt hơn 1,8 triệu tấn trong năm 2021. Trong khi đó, dự báo tổng sản lượng cá tra toàn cầu có thể tăng 6% trong năm 2021 và dự kiến tăng 2,1% trong năm 2022, lên hơn 3 triệu tấn.
Sản lượng cá tra của Indonesia cũng tăng mạnh. Tổng sản lượng các loại cá da trơn toàn cầu dự kiến sẽ vượt qua mốc 5 triệu tấn vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng dự báo ở mức 9% vào năm 2021 và 6,1% vào năm 2022.
Mặc dù sản lượng cá tra được dự báo tăng mạnh song theo Bộ Công Thương, giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2020 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất; đại dịch Covid-19 khiến chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề. Tình hình sang quý 1/2022 vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá cho Việt Nam chế biến xuất khẩu khi thị trường tiêu thụ cá tra phục hồi trở lại…
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đứng ở mức 23.500-24.000 đồng/kg, tăng 5.00-2.000 đồng/kg so với nhiều tháng trước đó, đồng thời cao hơn giá thành sản xuất (khoảng 22.350 đồng/kg) sau cả năm ở dưới mức này.
Được biết, ước tính, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 188 nghìn tấn, trị giá 880 triệu USD, giảm 0,38% về lượng và giảm 0,97% về trị giá so với tháng 10/2021, nhưng tăng 1% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 7,9 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 11/2021, lượng xuất khẩu tôm và cá tra vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc, cá khô và nghêu tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu chả cá tăng nhẹ. 11 tháng năm 2021, tôm, cá tra, chả cá, cá ngừ, nghêu là những mặt hàng có trị giá tăng so với cùng năm 2020, trong khi xuất khẩu mực, cá khô, cua và cá đóng hộp giảm.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 dự tính đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 8,75 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 4,1% về trị giá so với năm 2020. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp tăng, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I/2022 sẽ tăng trưởng tốt.