Xuất khẩu cá tra sang ASEAN năm 2022 sẽ phục hồi?
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam(Vasep), tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN đạt 94,2 triệu USD, giảm khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 cho tới nay, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường tiềm năng trong khu vực vẫn chưa thể phục hồi.
10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất trong khu vực ASEAN là Thái Lan vẫn giảm 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 43,6 triệu USD (chiếm 46,2% giá trị của toàn khối), tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philipines.
Trước đại dịch, Singapore, Malaysia là hai thị trường mới nổi và hấp dẫn với nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam khi nhu cầu NK và tiêu thụ ổn định và tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn đầu, năm 2020, hai đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 khiến hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mới đây, những nỗ lực chuyển đổi từ zero Covid-19 sang sống chung, các nước này cũng đang thận trọng mở cửa lại kinh tế trong bối cảnh cả thế giới đang lo lắng về biến thể Omicron.
Các chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo rằng, kể từ đầu năm 2022, Singapore là quốc gia có tốc độ phục hồi và ổn định nhanh nhất khu vực và là cơ hội tốt để các DN thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang Singapore đạt 20,6 triệu USD, giảm 29,4%; xuất khẩu sang Malaysia đạt 15,2 triệu USD, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi một số nước NK lớn cá tra trong khu vực giảm NK cá tra thì Philippines và Indonesia là hai thị trường đáng chú ý trong năm nay. 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang Philippines tăng 33,3%, đạt 14 triệu USD; xuất khẩu cá tra sang Indonesia cũng đang trăng trưởng nhanh chóng.
Cho tới nay, các DN xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Điều này khiến cho toàn bộ tâm sức của các nhà máy tập trung cho phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất. Các chi phí sản xuất tăng cao, cước phí vận chuyển tăng kéo theo giá xuất khẩu cũng buộc phải điều chỉnh. Do đó, để gia tăng xuất khẩu, các DN cần chủ động kiểm soát được dịch bệnh để tiếp tục quay trở lại tăng cường xuất khẩu sang các thị trường lân cận nhu cầu đang phục hồi.