Sắp vào chính vụ thu hoạch tiêu, Việt Nam bỏ lỡ thị trường này thì thật đáng tiếc

20/02/2022 16:18 GMT+7
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 37,61% trong 11 tháng năm 2020 lên 40,81% trong 11 tháng năm 2021. Dư địa thị trường này với hạt tiêu Việt trong năm 2022 là vô cùng lớn...
Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Ảnh: CT

Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Ảnh: CT

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, nhập khẩu hạt tiêu của Pháp tháng 11/2021 đạt 1.150 tấn, trị giá 6,05 triệu EUR (6,9 triệu USD), tăng 43,9% về lượng và tăng 52,2% về trị giá so với tháng 10/2021, so với tháng 11/2020 tăng 19,2% về lượng và tăng 88,1% về trị giá. 

Tính chung 11 tháng năm 2021, Pháp nhập khẩu hạt tiêu đạt 11.750 tấn, trị giá 48,19 triệu EUR (54,94 triệu USD), tăng 5,8% về lượng và tăng 25,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Sắp vào chính vụ thu hoạch tiêu, Việt Nam bỏ lỡ thị trường này thì thật đáng tiếc - Ảnh 2.

Nguồn: Eurostat

Sắp vào chính vụ thu hoạch tiêu, Việt Nam bỏ lỡ thị trường này thì thật đáng tiếc - Ảnh 3.

Nguồn: Eurostat

Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu cũng cho biết, giá tiêu nhập khẩu vào Pháp đang ngày một tăng cao, rất thu hút các nhà xuất khẩu hạt tiêu. Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Pháp tháng 11/2021 đã đạt mức 5.261 EUR/tấn (5.998 USD/tấn), tăng 5,8% so với tháng 10/2021 và tăng tới 57,8% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Pháp đạt 4.102 EUR/ tấn (4.676 USD/tấn), tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu từ hầu hết các thị trường ngoại khối tăng mạnh, nội khối giảm.

Về cơ cấu nguồn cung theo Eurostat, Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường nội khối trong 11 tháng năm 2021 đạt 3.633 tấn, trị giá 17,14 triệu EUR (19,54 triệu USD), tăng 28,8% về lượng và tăng 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Pháp nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ thị trường Đức, Hà Lan. 

Đối với thị trường ngoại khối, Pháp tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Indonesia, nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Brazil. Số liệu thống kê cụ thể như sau: 11 tháng năm 2021, Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 4.795 tấn, trị giá 15,6 triệu EUR (18 triệu USD), tăng 14,8% về lượng và tăng 49,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 37,61% trong 11 tháng năm 2020 lên 40,81% trong 11 tháng năm 2021.

Ngược lại, Pháp giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil trong 11 tháng năm 2021, giảm 44,8% về lượng và giảm 28,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.225 tấn, trị giá 3,78 triệu EUR (4,31 triệu USD). Thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng nhập khẩu của Pháp giảm từ 20,01% trong 11 tháng năm 2021 xuống còn 10,43% trong 11 tháng năm 2020.

Sắp vào chính vụ thu hoạch tiêu, Việt Nam bỏ lỡ thị trường này thì thật đáng tiếc - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Thống kê châu Âu (*) Ghi chú HS 090411 Hạt tiêu hạt lép, chưa rang, chưa xay; HS 090412 Hạt tiêu hạt lép, nghiền hoặc xay

Sắp vào chính vụ thu hoạch tiêu, Việt Nam bỏ lỡ thị trường này thì thật đáng tiếc - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Thống kê châu Âu

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Năm 2022, dư địa thị trường Pháp là vô cùng lớn cho hạt tiêu Việt Nam, bởi những thuận lợi đưa lại từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). 

Theo đó, đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA có hiệu lực là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU và Pháp (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%). 

Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU liên tục tăng thời gian gần đây, đơn cử trong 11 tháng 2021 đã đạt khoảng 40 nghìn tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. 

Các chủng loại hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang EU, trong đó có Pháp là: Mã HS. 09041120 – Hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 92 triệu USD, tăng mạnh 62,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU) và mã HS. 09041110 - Hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 40 triệu USD, tăng 58,8%, chiếm 24,1%). EU chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021.

Trong số các thị trường thành viên EU, hạt tiêu Việt Nam được xuất chủ yếu sang hai nước Đức (đạt 49 triệu USD), Hà Lan (đạt 39 triệu USD). Với thị trường Pháp, hạt tiêu Việt Nam đang hướng tới và dư địa vẫn còn rất lớn như đã nêu trên. Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hạt tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Hạt tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hạt tiêu được giao dịch trên toàn thế giới và chiếm khoảng 45% hạt tiêu nhập vào châu Âu (Việt Nam cung cấp gần một nửa lượng tiêu châu Âu đang tiêu dùng). Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hạt tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội vẫn còn một số thách thức.  Trong đó thách thức lớn nhất là đáp ứng được các đòi hòi khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục