Sau nhiều ngày đi ngang, giá lợn hơi hôm nay lại giảm

10/04/2023 17:07 GMT+7
Giá lợn hơi ngày 10/4 giảm rải rác ở một vài tỉnh. Thị trường lợn hơi 4 tháng đầu năm chưa có nhiều chuyển biến tích cực, mức giá thấp kéo dài, người dân gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi.

Giá lợn hơi hôm nay 10/4 lại giảm sau nhiều ngày đi ngang

Giá lợn hơi hôm nay 10/04/2023, miền Bắc quay lại chiều đi xuống. Nhiều tỉnh giảm 1.000-2.000 đồng/kg, tái mức giá đầu số 4 như: Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa về lại giá 49.000 đồng/kg. Tại các tỉnh như Quảng Nam, Kiên Giang giá lợn hơi cũng hạ 1 giá, mức giá trung bình toàn quốc đạt 49.900 đồng/kg - giảm nhẹ so với cuối tuần trước. Thị trường lợn hơi 4 tháng đầu năm chưa có nhiều chuyển biến tích cực, mức giá thấp kéo dài, người dân gặp nhiều khó khăn trong chăn nuôi.

Ngày 10/4, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 54.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc nhích lên mức 48.800 đồng/kg nhưng vẫn ở mức thấp so với đầu tháng 4.

Sau nhiều ngày đi ngang, giá lợn hơi hôm nay lại giảm - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày 10/4 giảm rải rác ở một vài tỉnh.

Sau nhiều ngày đi ngang, giá lợn hơi hôm nay lại giảm - Ảnh 2.

Giá lợn hơi ngày 10/4 giảm rải rác ở một vài tỉnh.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn đi ngang liên tục, thị trường lặng sóng và duy trì trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại các địa phương gồm Yên Bái, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình đang duy trì thu mua lợn hơi với giá 49.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá, ở mức 50.000 đồng/kg là mức giao dịch tại các địa phương bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang. Mức giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại một loạt các địa phương gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình và Vĩnh Phúc.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi nhiều ngày qua ổn định trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cao hơn một giá, tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk và Ninh Thuận đang giao dịch cùng mức 49.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Nam. Thương lái tại các tỉnh còn lại đang thu mua lợn hơi với giá từ 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi chững giá và thu mua trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi tại tỉnh Tây Ninh đang được thu mua với giá 48.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Cao hơn một giá, tại Bình Dương, thương lái đang thu mua lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành khác chứng khiến giá thu mua trong khoảng 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định. 3 tháng đầu năm, dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. 

Giá trị sản xuất quý I tăng khoảng 4,69%, chiếm 35,2% tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực nông nghiệp chung; với sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6,0% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Đàn trâu ước giảm khoảng 2,4%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32,8 nghìn tấn, giảm 2,4%; Đàn bò ước tăng khoảng 1,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 130,5nghìn tấn, tăng 2,8%; sữa bò tươi đạt 323,5 nghìn tấn, tăng 8,6%; Đàn lợn ước tăng 6,2%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 1.192,0 nghìn tấn, tăng 7,5%; Đàn gia cầm ước tăng 2,4%; sản lượng thịt ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình chăn nuôi lợn trong quý I gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp. Trong tháng 3/2023, giá lợn hơi trên cả nước giảm do nguồn cung dồi dào trong khi mức tiêu thụ chậm. 

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 3 năm 2023 ước đạt 47,4 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2023 đạt 114,9 triệu USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD, tăng 22,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 37 triệu USD, tăng 80,1%.

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 năm 2023 ước đạt 326 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2023 đạt 740,7 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 354,6 triệu USD, tăng 5%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 302,3 triệu USD, tăng 0,5%.

Trong 3 tháng và 3 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi lợn cả nước gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao và kéo dài trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn được hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi. 

Trong quý I, tình hình chăn nuôi lợn trên cả nước đang gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp, chưa có đấu hiệu khởi sắc, xu hướng giảm giá này đã kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Người chăn nuôi lợn hiện nay gặp nhiều khó khăn khi giá bán thấp hơn chi phí sản xuất. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2023 là 24,66 triệu con, tăng 6,2% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước đạt 1192,0 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, bối cảnh thị trường chăn nuôi bước vào đầu năm nay vẫn đang khá mù mịt. Tự chủ nguyên liệu đầu vào vẫn là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới để phát triển bền vững. Tuy nhiên, những biện pháp ngắn hạn như tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn hay thay đổi thành phần trong thức ăn để ứng phó với tình hình hiện tại sẽ là ưu tiên. Bên cạnh đó, triển vọng giá nông sản thế giới trong năm 2023 cũng nên được các doanh nghiệp theo dõi để đưa ra chiến lược mua hàng hợp lý.

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá ngô và đậu tương thế giới đang duy trì ở mức cao do đà tăng từ cuối năm ngoái, được thúc đẩy bởi tình hình hạn hán nghiêm trọng tại Argentina. Dự báo sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 2022/23 đã bị Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm tới 8,5 triệu tấn so với mức kỳ vọng 49,5 triệu tấn được đưa ra vào đầu niên vụ.

Tuy nhiên, tính cả 3 quốc gia sản xuất lớn ở Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina và Paraguay thì tổng sản lượng đậu tương đạt mức 204 triệu tấn, tăng 14,8% so với năm ngoái. Trong thời gian tới, trọng tâm của thị trường nông sản sẽ dần chuyển sang mùa vụ sắp được gieo trồng tại Mỹ. Chi phí phân bón năm nay cũng hạ nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái, nếu như thời tiết không quá bất lợi thì giá nông sản có thể sẽ hạ nhiệt vào quý II và giảm bớt áp lực giá đầu vào cho các doanh nghiệp chăn nuôi.

Bên cạnh triển vọng cung cầu, các động thái điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tình trạng lạm phát dai dẳng cũng đẩy kỳ vọng về tỉ giá đồng USD sẽ tăng lên. Điều này sẽ là rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu nông sản.

Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu hay cụ thể hơn là khả năng tiêu thụ có hồi phục nhanh chóng hay không của Trung Quốc sau khi mở cửa sẽ quyết định đến giá thành phẩm ngành chăn nuôi. Theo MXV, ngành chăn nuôi nước ta vẫn sẽ phải gồng mình trước áp lực kép ít nhất là cho tới quý II/2023.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục