Sau ồn ào trả mỏ, hoạt động khai thác cát ở Quảng Ngãi hiện “nóng, nguội” thế nào?
Sáng 11/4, thông tin từ chính quyền Quảng Ngãi xác nhận, chiều hôm qua, ngày 10/4, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì, để nghe báo cáo và có chỉ đạo đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, cùng một số nội dung liên quan trên địa bàn.

Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, thông tin tại cuộc họp lãnh đạo Sở NN&MT cho biết đến thời điểm này, số lượng mỏ khoáng sản được cấp thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực hoạt động khai thác là 74 mỏ, với trữ lượng khoảng 74.000m3.
Trong số này có có 28 mỏ đá, tổng công suất trên 2,6 triệu m³; 7 mỏ cát, tổng công suất gần 360 ngàn m³/năm; 27 mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp, tổng công suất trên 3 triệu m³/năm.

Ngoài ra, còn một số khu vực cấp phép, xác nhận các mỏ khoáng sản cấp chỉ định (không qua đấu giá) phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi); dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi; đường Dung Quất- Sa Huỳnh, giai đoạn IIb….
Riêng đối với số mỏ đấu giá quyền khai thác tính từ năm 2023 - 2024, Quảng Ngãi đã tổ chức đấu giá thành công 10 mỏ cát, có trữ lượng gần 1,9 triệu m3; 13 mỏ đất, có khối lượng dự báo gần 6,7 triệu m3; 1 mỏ đá chẻ; 1 mỏ cát biển nạo vét.

Trong số này đối với 10 mỏ cát (đã đấu giá thành) đã có 4/10 mỏ, được đơn vị trúng đấu giá xin trả lại mỏ và tỉnh đã xử phạt, hủy kết quả trúng đấu giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhìn nhận thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn; quy định cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương trong quản lý, bảo vệ, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Theo đó đã khắc phục một số tồn tại, tạo chuyển biến tích cực và đưa hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường vào khuôn khổ.
Từng bước ổn định tình hình và kịp thời cung cấp nguồn VLXD phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân, các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, do những nguyên nhân khác nhau nên hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.

Trong đó đặc biệt là công tác dự báo nhu cầu; tổ chức và đưa các mỏ VLXD sau đấu giá vào hoạt động khai thác phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn bị động, chưa chặt chẽ…dẫn đến phát sinh vướng mắc.
Vì vậy trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các cấp ngành, đơn vị liên quan cần phải khắc phục, rút kinh nghiệm.