SHB chốt ngày trả cổ tức 2022 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 18%
Cụ thể, ngày 25/7 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) chốt danh sách cổ đông thực hiện trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, tương ứng ngày 24/7 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền. Tỷ lệ thực hiện là 18% (tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu cũ sẽ được nhận về 180 cổ phiếu mới).
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, SHB cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành hơn 45,1 triệu cổ phiếu (tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá là 451,2 tỷ đồng). Sau khi thực hiện phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức 36.645 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.
SHB cho biết, phương án sử dụng vốn dự kiến sẽ hoàn toàn cho vay doanh nghiệp, trong đó: cho vay bổ sung vốn lưu động, tài trợ tài sản cố định (100 tỷ đồng); cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án (301,2 tỷ đồng) và cho vay cá nhân (50 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/7, giá cổ phiếu SHB hiện đang đứng nguyên ở mức tham chiếu 13.500 đồng/ cổ phiếu.
Kết thúc quý I/2023, SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng đến 38% so với cùng kỳ, đạt gần 5.844 tỷ đồng. Điểm sáng trong quý này là dù SHB tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng vẫn báo lãi cao kỷ lục. Cụ thể, SHB trích gần 1.374 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng tới 191% so với cùng kỳ, tương ứng cao gấp gần 3 lần. SHB vẫn đạt lãi trước thuế đạt hơn 3.619 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.881 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, SHB có 2 phương án kinh doanh tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, cả 2 phương án của SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ. Với kết quả đạt được trong quý I, SHB đã thực hiện được khoảng 35% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của SHB đạt 570.194 tỷ đồng, huy động vốn thị trường I đạt 440.359 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 6,6% với 11.567 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu nhích từ mức 2,81% lên 2,83%.