Siết tín dụng để điều tiết thị trường bất động sản cần xác định rõ mục đích mua
Siết tín dụng người mua 2 bất động sản trở lên
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã đề xuất siết tín dụng với người đầu cơ nhà đất. Cụ thể, để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, các tổ chức tín dụng có thể giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ 2 trở lên.
Ngoài ra, VARS đề xuất tăng cường giám sát và quản lý tín dụng. Chính phủ có thể áp các quy định về việc kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo chi tiết hơn về các khoản vay liên quan đến bất động sản, từ đó tăng cường giám sát rủi ro.
Cơ quan này cũng cho rằng để điều tiết thị trường toàn diện hơn, chính sách tín dụng nên kết hợp với việc áp dụng thuế chuyển nhượng bất động sản hoặc thuế tài sản. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách điều tiết phải lưu ý linh hoạt, đảm bảo ổn định trật tự thị trường, hạn chế rủi ro.
Tuy nhiên, đề xuất siết tín dụng bất động sản thứ 2 gây ra lo ngại cho nhiều người dân, nhất là những người mua nhà không phải với mục đích đầu cơ bất động sản.
Anh Tiến Đức (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, siết tín dụng với bất động sản thứ 2 để tránh lãng phí đất, nhưng không thể đánh đồng người mua nhà để dành cho con, cháu với những người đầu cơ chuyên nghiệp.
"Điều cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng vì đối với đa số người dân Việt Nam thì ngôi nhà vẫn là một tài sản lớn, thậm chí là gia tài mà cả một đời người mới tích lũy được. Và với không ít gia đình, tích luỹ đủ để mua được ngôi nhà thứ 2 cho con, cho cháu cũng là một sự cố gắng và muốn con cái mình có nền tảng để phấn đấu trong tương lai", anh Đức nói.
Do đó, anh Đức cho biết nếu siết tín dụng với những người mua thêm nhà với mục đích để dành cho con cái sẽ gây ra khó khăn, bởi không phải ai cũng sẵn tiền để mua một tài sản lớn mà vẫn cần đến sự hỗ trợ từ ngân hàng. Việc này cần xác định rõ đối tượng mua để làm gì chứ không nên quy chụp tất cả.
Siết tín dụng bất động sản thứ 2 cần chọn lọc
Theo giới bất động sản, thị trường bất động sản Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ tình trạng nợ xấu, tồn kho tăng cao, đến khó khăn trong việc huy động vốn và suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Do đó, trên cơ sở tôn trọng tối đa các quy luật cung - cầu tự nhiên, việc Nhà nước chủ động tăng cường điều tiết khi thị trường bất động sản có "dấu hiệu bất ổn" là vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết bên cạnh việc nghiên cứu đánh thuế bất động sản (đặc biệt người có nhiều nhà đất, đầu cơ, không sử dụng) thì việc siết dòng tín dụng, tránh tập trung cho các cá nhân vay đầu tư bất động sản mà ưu tiên sử dụng nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh là cần thiết để kiềm chế tăng giá nhà đất.
"Thường tài sản mà giới đầu cơ bất động sản sở hữu thường có khoảng 50 - 70% là tiền vay ngân hàng, được thế chấp bằng chính bất động sản đó. Nên nếu ngăn dòng tín dụng từ ngân hàng sẽ giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản", ông Đỉnh nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Đỉnh, để chính sách tín dụng này phát huy hiệu quả thì cần thu thập được cơ sở dữ liệu để xác định chính xác mục đích vay của mỗi cá nhân là để mua căn nhà thứ mấy, mục đích để ở hay để đầu tư.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng phần lớn những người vay vốn mua bất động sản đều có nhu cầu mua nhà để ở, trong đó chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng tài sản bảo đảm (chủ yếu là căn nhà trước đó). Do vậy, nếu áp dụng siết tín dụng bất động sản thứ 2 thì cần chọn lọc, không phải tất cả các đối tượng. Bởi nếu áp dụng không đúng cách sẽ gây ra khó khăn cho người dân và giảm sự phát triển của lĩnh vực bất động sản, vốn là ngành có tác động lớn tới nền kinh tế.