Singapore bất ngờ siết chính sách tiền tệ

14/10/2021 10:09 GMT+7
Ngân hàng Trung ương Singapore vừa siết chính sách tiền tệ trong một động thái bất ngờ hôm 14/10 sau khi nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng GDP 6,5% trong quý III.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) - ngân hàng trung ương của nước này - cho biết họ đã tăng “nhẹ” độ dốc của biên độ tiền tệ, đồng nghĩa đồng SGD được phép tăng giá trong rổ tiền tệ với một biên độ không được tiết lộ. Trước đó, trong nhiều tháng, MAS đã duy trì biên độ 0% với đồng nội tệ.

Sau động thái của ngân hàng trung ương, đồng SGD tăng giá khoảng 0,2% lên mức 1,349 SGD đổi 1 USD, mức cao nhất trong 3 tuần gần nhất.

Biên độ tiền tệ được gọi là tỷ giá hối đoái hữu hiệu danh nghĩa của SGD. Cơ quan tiền tệ quốc gia của Singapore quản lý chính sách tiền tệ thông qua thiết lập tỷ giá hối đoái, thay vì lãi suất như các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu. Trong đó, một trong ba đòn bẩy để điều chỉnh chính sách tiền tệ là độ dốc. 

Singapore bất ngờ siết chính sách tiền tệ - Ảnh 1.

Singapore bất ngờ siết chính sách tiền tệ trong một động thái điều chỉnh biên độ đồng nội tệ hôm 14/10 (Ảnh: Bloomberg)

MAS cho biết việc điều chỉnh biên độ tiền tệ “sẽ đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn đồng thời nhận ra những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế". Cơ quan này dự kiến lạm phát lõi của quốc gia sẽ tăng từ 1-2%  trong năm 2022. Lạm phát lõi là thước đo lạm phát được MAS ưu tiên sử dụng. Ngoài ra, MAS cũng nhận định tăng trưởng của kinh tế Singapore có thể duy trì động lực mạnh mẽ trong những quý tới, qua đó đưa đà phục hồi vượt mức trước đại dịch vào năm 2022 trong tình huống khả quan là không có sự bùng phát trở lại của đại dịch trên toàn cầu.

Tuy nhiên, MAS cảnh báo các yếu tố bên ngoài như áp lực lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể tác động tiêu cực đến đà phục hồi. 

Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng tư nhân CIMB cho biết động thái siết chính sách tiền tệ cho thấy MAS tự tin về triển vọng tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng lạm phát sẽ tăng hơn nữa. Ông giải thích rằng Singapore đang ở trong tình huống dễ chịu so với nhiều quốc gia khác, những nơi đang chịu hệ lụy trực tiếp từ tình trạng chi phí năng lượng và các hàng hóa khác đang tăng cao trên thế giới.

Một ước tính cho thấy nền kinh tế Singapore tăng trưởng 6,5% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters rằng nền kinh tế quốc đảo sư tử sẽ tăng trưởng 6,6%. 

Lĩnh vực sản xuất ghi nhận sản lượng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xây dựng tăng 57,9% trong khi các ngành dịch vụ tăng 5,5%.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết mức tăng trưởng trên cơ sở quý là 0,8%. 

Dự báo nền kinh tế Singapore có thể tăng trưởng hơn nữa trong những quý tới khi chính phủ nới lỏng các hạn chế Covid-19 và bắt đầu mở cửa đón khách du lịch quốc tế. 

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho biết ông hy vọng ngân hàng trung ương Singapore sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ vào năm 2022 khi rủi ro từ đại dịch vẫn còn rõ ràng trên toàn cầu và tác động đến nền kinh tế Singapore. Chẳng hạn, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và vận tải đã giảm 1,3% trong quý III so với quý liền trước, mức giảm quý thứ hai liên tiếp. Theo ông Holmes, sự phục hồi kinh tế vẫn còn một chặng đường dài.

Ở bên kia bán cầu, đêm qua, Fed công bố biên bản họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Ủy ban Thị trường mở, trong đó cũng báo hiệu dấu hiệu siết chính sách tiền tệ. Bản tóm tắt biên bản họp của FOMC công bố hôm 13/10 (giờ Mỹ) cho thấy các thành viên FOMC cảm thấy Fed đã gần đạt đến các mục tiêu kinh tế để có thể tiến tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng, mặc dù vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 như hiện nay. Khởi đầu việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại sẽ là động thái giảm quy mô gói mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/ tháng kể từ giữa tháng 11 hoặc tháng 12, tiến tới kết thúc gói này vào giữa năm 2022.


NTTD
Cùng chuyên mục