2 điểm nổi bật trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed

23/09/2021 08:52 GMT+7
Cục Dự trữ Liên bang Fed hôm 22/9 đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức tiệm cận 0 nhưng cảnh báo có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến đã đưa ra trong cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng 6.

Fed cảnh báo tăng lãi suất sớm hơn

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) vừa diễn ra, các quan chức tài chính Mỹ cho biết sẽ sớm rút lại một số biện pháp kích thích kinh tế mà Ngân hàng Trung ương đã triển khai trong cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua. “Nếu sự phục hồi tiếp tục diễn ra trên diện rộng như dự kiến, Ủy ban đánh giá rằng có thể sớm cần điều chỉnh gói mua tài sản”. Tuy nhiên, FOMC không nói rõ thời điểm thực hiện những hành động như vậy.

Thị trường kỳ vọng việc giảm quy mô gói mua tài sản sẽ được công bố vào tháng 11 và bắt đầu ngay tháng 12 năm nay, theo cuộc khảo sát do CNBC thực hiện.

Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố Ủy ban đã sẵn sàng cho sự điều chỉnh chính sách tiền tệ. “Mặc dù hiện chưa có quyết định nào được đưa ra nhưng các quan chức tham gia cuộc họp nhìn chung đồng thuận rằng miễn là đà phục hồi vẫn diễn ra đúng hướng, thì một quá trình cắt giảm (quy mô gói mua tài sản) dần dần và kết thúc hẳn gói này vào giữa năm sau có thể là phù hợp”.

2 điểm nổi bật trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: CNBC)

FOMC cũng bỏ phiếu nhất trí duy trì mức lãi suất tiệm cận 0 (trong khoảng 0-0,25%) hiện tại. Tuy nhiên, ngày càng nhiều thành viên của FOMC cho rằng có thể tăng lãi suất bắt đầu từ năm 2022. Điều này trái ngược với kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ hồi tháng 6, khi các thành viên FOMC cho rằng đợt tăng lãi suất sớm nhất có thể diễn ra vào năm 2023.

Thị trường lao động và lạm phát là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Fed. Trong tuyên bố hôm 22/9, ông Powell cũng nhấn mạnh Fed đang tiến gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu về “tiến bộ đáng kể” liên quan đến cả lạm phát và việc làm - hai điều kiện tiên quyết để cơ quan này đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay.

Hạ dự báo tăng trưởng GDP, tăng dự báo lạm phát

FOMC dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay có thể chỉ đạt 5,9%, thấp hơn mức dự báo 7% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 3,8%, tăng mạnh từ mức dự báo 3,3% trước đó và tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo đạt 2,5%, tăng nhẹ từ mức dự báo 2,4% trước đó.

Các dự báo cũng chỉ ra rằng FOMC đánh giá lạm phát có thể tăng cao hơn dự kiến trong năm nay. Cụ thể, lạm phát cơ bản dự báo tăng 3,7% trong năm nay, cao hơn mức 3% được đưa ra trong cuộc họp FOMC hồi tháng 6. Với năm 2022, lạm phát được dự báo ở mức 2,3% và năm 2023 là 2,2%, đều cao hơn 1% so với các dự báo hồi quý trước. 

Trước đó, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số tiêu dùng cá nhân lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 3,6% trong tháng 7, mức cao nhất trong 30 năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần trấn an thị trường rằng ông kỳ vọng áp lực lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế và sẽ hạ nhiệt ngay khi chuỗi cung ứng toàn cầu nối lại, nhu cầu bị dồn nén cao bất thường trở lại mức trước đại dịch.

Liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp, FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể giảm từ mức 5,2% hiện tại xuống 4,8% vào cuối năm nay. Kịch bản bi quan hơn so với dự báo hồi tháng 6 rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,5% trong năm nay. Trước đó, báo cáo thị trường lao động tháng 8 đã gây thất vọng khi chỉ ra tăng trưởng việc làm trong toàn nền kinh tế chỉ đạt 235.000 công việc.


NTTD
Cùng chuyên mục