Tài khoản thu phí không dừng không đủ tiền bị phạt bao nhiêu?

07/01/2022 14:51 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Trong đó, tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm.

Điểm đáng chú ý tại 123 so với Nghị định 100/20219 mức xử phạt vẫn giữ nguyên, nhưng quy định rõ các trường hợp không đủ điều kiện để thu phí tự động không dừng.

Theo đó, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Tài khoản thu phí không dừng không đủ tiền bị phạt bao nhiêu? - Ảnh 1.

Hệ thống thu phí không dừng VETC. Ảnh: CTV

Ngoài ra, nghị định cũng quy định xử phạt đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền qua trạm thu phí với mức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Bộ GTVT cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các vi phạm liên quan đến thu phí theo hình thức tự động không dừng để mô tả lại các hành vi vi phạm cho rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch trong quá trình áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.

Theo một thành viên ban soạn thảo Nghị định, thời gian qua một số trạm thu phí trên địa bàn cả nước xảy ra hiện tượng cố tình đi xe ô tô qua trạm không trả phí để phản đối việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ. Việc bổ sung hành vi này để xử phạt nghiêm, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố... về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết.

Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại; đảm bảo mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ và phải hoàn thành trong quý I/2022...


Thế Anh
Cùng chuyên mục