Bamboo Airways giải thích về điểm “khác lạ” có đến 3 đại diện pháp luật, chủ tịch HĐQT là người Nhật Bản

21/06/2023 18:23 GMT+7
Ông Lê Bá Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airway đã thông tin trước Đại hội về tin đồn nhóm cổ đông mới "thâu tóm" Bamboo Airway. Ông Nguyên cho biết, đại diện nhóm đầu tư là ông Lê Thái Sâm đã cho công ty vay gần 8.000 tỷ đồng trong năm 2022, con số rất lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Airway là người Nhật 

Ngày 21/6, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.

Đại hội nhất trí thông qua miễn nhiệm HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028.

7 ứng viên được đề cử đều trúng vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Các thành viên được đề cử gồm có ông Nguyễn Ngọc Trọng là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways nhiệm kỳ trước; ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm hiện là hai cổ đông lớn của Bamboo Airways, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways; ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cựu thành viên HĐQT Bamboo Airways.

Tân Chủ HĐQT Bamboo Airways là người Nhật Bản, nhóm cổ đông mới đã thâu tóm Công ty? - Ảnh 1.

Ngày 21/6, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023

Ba thành viên mới được đề cử là ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế của Japan Airlines thành viên đã được Bamboo Airways công bố sẽ tham gia vào ban lãnh đạo từ trước; ông Phan Đình Tuệ, hiện là thành viên HĐQT Sacombank và mới từ chức Phó Tổng giám đốc Sacombank và ông Trần Hoà Bình chưa xuất hiện trên truyền thông.

HĐQT Bamboo Airways cũng thống nhất bầu ông Oshima Hideki là Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ông Hideki Oshima, Bamboo Airways còn mời ông Masaru Onishi - cựu Chủ tịch Japan Airlines làm cố vấn cho hãng.

Phiên thảo luận:

- Vai trò của HĐQT sẽ được thể hiện như thế nào sau tái cấu trúc? Vì sao công ty nâng người đại diện pháp luật từ một người lên 3 người?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng: Nếu 5 năm qua, Bamboo Airways hình thành và định hình thương hiệu thì 5 năm tới công ty sẽ bước sang giai đoạn mới với việc tập trung vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chính vì vậy, khi nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc công ty đã mời các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ, các chuyên gia rất có kinh nghiệm trong giới truyền thông thế giới. Đây chính là những người góp phần "cứu" Japan Airlines, từ chỗ thua lỗ 12 tỷ USD một năm, sau 2 năm đã đạt lợi nhuận cao nhất trong các hãng hàng không trên thế giới.

HĐQT cũng hình thành cơ chế hoạt động mới, thành lập các uỷ ban chuyên môn về các lĩnh vực quản trị, tài chính, thương mại... để phát triển chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên các uỷ ban cũng có cơ chế hoạt động để không "giẫm chân" lên nhau, hoạt động minh bạch, góp phần đưa Bamboo Airways vượt qua khó khăn và thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn mới.

Tân Chủ HĐQT Bamboo Airways là người Nhật Bản, nhóm cổ đông mới đã thâu tóm Công ty? - Ảnh 2.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Bamboo Airways

Về việc có 3 người đại diện pháp luật, 5 năm qua, chỉ có Tổng giám đốc đảm nhiệm vị trí này. Hiện nay công ty phát triển sang giai đoạn mới, mỗi năm dự kiến tăng 8-10 máy bay, phấn đấu đến năm 2026 đạt 100 máy bay; đồng thời "đón đầu" sân bay Long Thành, khai thác tối đa các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản... Với quy mô ấy, ngoài tổng giám đốc thì cần thêm hai người phụ trách các lĩnh vực tài chính, quản trị; thực hiện phân cấp phân quyền sẽ giúp các thành viên có thời gian hoàn thiện công việc của mình tốt hơn.

- Doanh thu năm 2022 của Bamboo Airways tăng 176% so với năm 2021 nhưng vẫn lỗ lớn. Khi nào công ty sẽ có lãi?

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Hải: Tổng doanh thu năm 2022 đã tăng mạnh, nhưng những yếu tố chi phí tác động trở lại như xăng dầu, chi phí khai thác... Tăng doanh thu cho thấy hoạt động thực sự hiệu quả nhưng chưa đến điểm hoà vốn. Trong hàng không có sự phân bổ chi phí, có những khoản chi phí mà khi không hoạt động vẫn phải trả. Vì vậy, trong hàng không, chúng tôi có nguyên tắc phải làm thế nào để bay, chứ máy bay mà ở dưới đất là sẽ mất tiền.

Tuy nhiên, cắt giảm chỉ là một biện pháp. Chúng ta tối ưu hoá chi phí chứ không đơn thuần là cắt giảm; không cắt cơ học, mà chi một đồng nào ra thì phải có kết quả. Trong hàng không, tối ưu hoá chi phí xuất phát từ tàu bay, nhà cung ứng. Chúng tôi đang tích cực làm việc với các nhà cung ứng để có giá hợp lý hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng và thành lập các công ty con để tối ưu chi phí cơ sở. Đây là kinh nghiệm từ các chuyên gia Nhật Bản.

Mô hình này có điểm hay là các tế bào hoạt động độc lập nhưng lại đóng góp cho công ty mẹ. Như với mảng hàng hoá, sau khi Bamboo Airways thành lập công ty con vận hành mảng này, doanh thu đã tăng đột biến; phấn đấu năm 2023 khoảng 400 tỷ đồng. Một số công ty con khác, chúng tôi cũng đang có hoạt động tích cực để đưa vào vận hành, như công ty kỹ thuật đi vào hoạt động vào đầu tháng 9 tới, gắn quyền lợi, trách nhiệm lãnh đạo với công ty con.

Trên bức tranh tổng thể, HĐQT đã ra yêu cầu bắt buộc, cam kết với ĐHĐCĐ là xây dựng kế hoạch 2024 với tham vọng đạt điểm hoà vốn, là trách nhiệm của ban điều hành. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức đưa Bamboo Airways cất cánh, bay cao hơn.

- Thông tin nhà đầu tư mới đã "thâu tóm" xong cổ phần Bamboo Airways từ FLC và cá nhân ông Trịnh Văn Quyết?

Phó Chủ tịch HĐQT Lê Bá Nguyên: Ngoài khó khăn chung của nền kinh tế thì năm 2022, Tập đoàn FLC xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan đến nguyên lãnh đạo của tập đoàn. Sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Bamboo Airways. May mắn là nhóm nhà đầu tư mới đã vào hỗ trợ cho công ty, trong thời điểm nhà cung cấp, cho thuê máy bay ráo riết đòi nợ.

Đại diện nhóm đầu tư là ông Lê Thái Sâm đã cho công ty vay gần 8.000 tỷ đồng trong năm 2022, con số rất lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Với nguồn lực đó, công ty vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển.

Cổ phần của FLC và ông Trịnh Văn Quyết đều đã được thế chấp tại các ngân hàng cho các khoản vay. Việc đàm phán của gia đình ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC với nhà đầu tư mới được tổ chức định giá, kiểm toán có uy tín. Nhà đầu tư mới cũng có cam kết có trách nhiệm về các khoản vay này với các ngân hàng. FLC chưa chính thức chuyển nhượng nhưng đã có cam kết nhất định và được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện theo quy trình.

Đến nay, dù còn khó khăn nhưng Bamboo Airways vẫn duy trì hoạt động. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong đại hội lần này là thông tin chính xác, tránh bị lợi dụng xuyên tạc gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của các nhà đầu tư mới. Cá nhân tôi thay mặt cho gia đình ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC có những thông tin chính thức như vậy.


O.L
Cùng chuyên mục