Tăng kỷ lục, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã thu về gần 3,5 tỷ USD, bất chấp lạm phát
Xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2022: Đã thu về gần 3,5 tỷ USD, bất chấp lạm phát
Ước tính, tháng 9/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 45 nghìn tấn, trị giá 430 triệu USD, tăng 50% về lượng và tăng 50,88% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước tính đạt 353,9 nghìn tấn, trị giá 3,44 tỷ USD, tăng 19,17% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm tháng 8/2022 đạt 40,3 nghìn tấn, trị giá 394,1 triệu USD, tăng 36,7% về lượng và tăng 40,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 308,8 nghìn tấn, trị giá 3,02 tỷ USD, tăng 16% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 9,53 USD/kg, giảm 0,03 USD/ kg so với tháng 8/2021, nhưng tăng 0,45 USD/kg so với tháng 7/2022.
Tháng 8/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm mạnh cả về lượng và trị giá, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá.
Tháng 8/2022, EU vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đạt 7,3 nghìn tấn, trị giá 68,5 triệu USD, tăng 68,4% về lượng và tăng 75,7% về trị giá so với tháng 8/2021. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh, giảm 24% về lượng và giảm 27,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn tiếp theo trong tháng 8/2022 gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trừ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh và Nga giảm. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam theo trị giá trong 8 tháng năm 2022, đạt 50,76 nghìn tấn, trị giá 608,8 triệu USD, giảm 16% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; EU là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất về lượng và lớn thứ 2 về trị giá, đạt 56,15 nghìn tấn, trị giá 519,3 triệu USD, tăng 35,9% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn tiếp theo trong 8 tháng đầu năm 2022 gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Lạm phát tăng, tồn kho còn nhiều trong khi sức mua giảm, các vấn đề về vận chuyển, kho lạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được cho là những nguyên nhân khiến Hoa Kỳ giảm nhập khẩu tôm. Đến cuối năm, nếu tồn kho giảm bớt, nhu cầu tiêu thụ tôm của Hoa Kỳ có thể nhích lên để phục vụ lễ hội cuối năm.
Đáng chú ý, tháng 9/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc bật tăng hơn 100% đạt 70 triệu USD. Đà tăng này khiến Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 483 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.
Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm ở một số khu vực sản xuất tôm chính. Nhu cầu nhập khẩu tôm tăng để phục vụ lễ hội Trung thu và ngày Quốc Khánh, khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm.
Theo Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 680 triệu USD, tăng 97% so với tháng 8/2021 và là tháng có giá trị nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ các nguồn cung cấp chính đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador, Canada, Indonesia và Argentina.
Nhập khẩu tôm vào Trung Quốc tăng liên tục lên mức kỷ lục trong tháng 7 và 8 năm nay cho thấy nhu cầu tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu của thị trường này đang ở mức cao. Dự kiến, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2022 tiếp tục tăng mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.