Tăng trưởng GDP Mỹ quý II tệ nhất mọi thời đại, viễn cảnh quý III liệu có khởi sắc?
Khi nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu đình trệ hồi tháng 3 do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo nước này đã kỳ vọng sự sụt giảm chỉ là tạm thời và việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong thời gian sớm sẽ đưa các chỉ số phục hồi trở lại.
Nhưng sau đó, đại dịch đã bám đuổi nước Mỹ một cách dai dẳng.
Nền kinh tế trị giá 21,7 nghìn tỷ USD đã chứng kiến số việc làm phục hồi kỷ lục vào tháng 5 và tháng 6, nhưng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần vẫn duy trì đều đặn ở mức hơn 1 triệu đơn trong 18 tuần liên tiếp.
Chi tiêu tiêu dùng vốn có xu hướng tăng mạnh hồi tháng 5 cũng đang chứng kiến dấu hiệu giảm xuống khi dịch bệnh không có dấu hiệu được kiểm soát. Các trường hợp nhiễm Covid-19 mới gia tăng càng khơi dậy sự bi quan về bức tranh tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhận định quyết định sớm mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những hệ quả tồi tệ khi nền kinh tế bắt đầu đi ngang và chẳng khởi sắc là bao so với khi đình trệ.
Tăng trưởng GDP quý II/2020 giảm 32,9%, mức giảm tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Dù rằng, con số này vẫn không “chạm đáy” như những gì các nhà phân tích phố Wall dự báo. Giờ đây, hầu hết các nhà kinh tế và quan chức Nhà Trắng kỳ vọng quý III hiện tại sẽ là quý phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ sau mức sụt giảm chưa từng có này.
Nhưng sự thực có vẻ không như mong đợi. Các nhà kinh tế từ Goldman Sachs chỉ ra rằng Chỉ số Current Activity Index đo lường hoạt động của nền kinh tế trong ngắn hạn đã giảm mạnh từ mức 0,5% hồi tháng 6 xuống -3,8% hồi tháng 7. Tức là trong ngắn hạn, nền kinh tế vẫn đang tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra. “Dù lượng hàng tồn kho trong quý II có thể sẽ giảm mạnh vào quý III khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, dịch bệnh vẫn là yếu tố chính chi phối triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn” - Goldman Sachs nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang FED mới đây cũng cho hay dịch Covid-19 sẽ vẫn gây áp lực lớn lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới. Chính Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận không thể chắc chắn về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ chừng nào có trong tay những dữ liệu cụ thể hơn. Mức thu nhập cá nhân và chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai 31/7 (giờ Mỹ), trong khi bảng lương phi nông nghiệp sẽ được phát hành vào tuần tới.
Factset hiện đang dự báo mức tăng trưởng việc làm khoảng 2 triệu công việc/ tháng, tương đương mức kỳ vọng của RBC Capital Market. Trong khi đó, Capital Economics chỉ dự báo mức tăng trưởng khoảng 1 triệu việc làm/ tháng. Nhưng dự kiến sẽ có tới 17,8 triệu người Mỹ mất việc cho đến tháng 7.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics thì dự báo rằng ông không nghĩ nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến số việc làm phục hồi về mức trước đại dịch cho đến năm 2023-2024. Và quá trình phục hồi chắc chắn không dễ dàng. Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies cũng dự báo cần ít nhất 4 năm để thị trường lao động Mỹ phục hồi sau đại dịch.
Trong nhiều tháng qua, Cục Dự trữ Liên bang FED đã thực hiện hàng loạt nỗ lực phi thường để vực dậy nền kinh tế, từ cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm xuống gần mức 0 cho đến công bố hàng loạt gói tín dụng cho vay, bơm thanh khoản chưa từng có. Quốc hội Mỹ hiện cũng đang tranh luận về gói cứu trợ Covid-19 tiếp theo. Theo ông Mark Zandi, yếu tố quan trọng bậc nhất lúc này là giữ cho nền kinh tế tốt nhất có thể và đưa thị trường lao động phục hồi càng sớm càng tốt.