Tháng 9, xuất khẩu tôm giảm 28,5%

15/10/2021 07:55 GMT+7
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 30.000 tấn, trị giá 285 triệu USD, giảm 28,5% về lượng và giảm 25% về trị giá so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm ước đạt 297 nghìn tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, không biến đổi nhiều về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2020 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ dần phục hồi kể từ tháng 10 khi nhu cầu nhập khẩu của các nước châu Âu, Mỹ ở mức cao vào dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, ngành tôm còn được hỗ trợ bởi giá tôm trên thị trường đang có xu hướng tăng, đặc biệt ở các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.

 - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm giai đoạn 2020 - 2021. (Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Dù vậy, ngành tôm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi hoạt động sản xuất vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng do người nuôi chậm thả nuôi sau 2 tháng phong tỏa, tình trạng thiếu container, cước phí vận tải biển tăng vẫn diễn ra.

Hiện, cước phí vận tải biển đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Theo đó, chỉ số vận tải container toàn cầu Freightos Baltic Index (FBX) ngày 8/10 ở mức 9.949 USD, giảm so với mức đỉnh 11.109 USD so với tháng 9, nhưng tăng mạnh so với mức 3.452 USD so với tháng 1 và 2.242 USD của cùng kỳ năm 2020.

Nếu tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp trong tháng 10/2021 sẽ khiến XK thủy sản của Việt Nam năm 2021 khó đạt kế hoạch. Tuy nhiên, nếu tình hình được kiểm soát tốt, các DN vẫn có thể tăng thị phần ở những thị trường lớn trong những tháng cao điểm cuối năm 2021.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc những tháng cuối năm sẽ tăng cao, đây là những thị trường tiềm năng cho XK tôm trong thời gian tới. Trong tháng 10 và trung tuần tháng 11 sẽ là thời điểm XK tôm tới những thị trường lớn tăng mạnh.

Do vậy, các địa phương và DN cần ưu tiên và đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên ở các nhà máy chế biến, khu công nghiệp để chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.


An Vũ
Cùng chuyên mục