Thất nghiệp tăng kỷ lục, Trung Quốc khuyến khích người dân bán hàng rong
Tại Trung Quốc, bán hàng rong là phương thức sinh tồn, kiếm sống của những người dân nghèo ở thành thị hoặc người di cư từ nông thôn lên thành thị. Bán hàng rong từng bị chính quyền các đô thị Trung Quốc siết chặt cấm đoán trong nỗ lực đồng bộ hóa cảnh quan đô thị. Bước ngoặt chính sách được thúc đẩy bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường khi hàng chục triệu công nhân Trung Quốc mất việc do các cơ sở kinh doanh, sản xuất đóng cửa hoặc mở cửa với quy mô nhỏ trong vài tháng qua.
Trước cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, hầu hết các quầy hàng rong không được cấp phép kinh doanh hợp lệ. Chính quyền không khuyến khích hình thức kinh doanh này bởi các cá thể kinh doanh không phải đóng thuế hay mất tiền thuê nhà, mà bán trực tiếp ở vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự đô thị. Năm 2017, chính quyền Bắc Kinh từng thực hiện đàn áp đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán rong trong một chiến dịch làm đẹp cảnh quan đô thị khiến hàng trăm ngàn công nhân nhập cư mất việc.
Nhưng khi làn sóng thất nghiệp lên cao sau đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ với hình thức kinh doanh này. Trong chuyến thăm thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông hồi tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định các cửa hàng nhỏ và các quầy bán hàng rong là nguồn cung việc làm quan trọng và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt bình thường của người dân. “Họ là một phần tạo nên sức sống của nền kinh tế Trung Quốc, cũng giống như các doanh nghiệp lớn. Các hình thức kinh doanh tự chủ như vậy góp phần giúp đất nước chúng ta phát triển tốt đẹp hơn” - ông Lý nói thêm, khẳng định chính phủ cho phép mọi người dân tự tạo ra việc làm.
Thủ tướng Trung Quốc cũng ca ngợi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã tạo ra 100.000 việc làm bằng cách cấp phép cho 36.000 quầy hàng bán trên đường phố, đồng thời đề cập đến hình thức kinh doanh tự làm chủ mà chính phủ nước này khuyến khích người dân hồi cuối thập niên 70.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tạo nên động lực khuyến khích nhiều người dân Trung Quốc thiết lập các cửa hàng bán rong, các quầy hàng trên đường phố với sự cho phép của lực lượng quản lý cảnh quan đô thị (Cheng Quan). Theo đài phát thanh nhà nước Trung Quốc, lực lượng Cheng Quan ở thành phố Ruichang, tỉnh Giang Tây đã bắt đầu thiết lập một số địa điểm chỉ định để người dân bán hàng trên đường phố. Lực lượng Cheng Quan ở Thạch Gia Trang (Hà Bắc) cũng đang tìm cách thúc đẩy hoạt động bán hàng rong, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Nhiều công ty công nghệ từ Tencent đến JD.com cũng hứa hẹn giúp đỡ các cửa hàng nhỏ và các quầy hàng rong trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hình ảnh một chiếc xe tải được sử dụng như một quầy hàng di động trên đường phố đã trở thành hình ảnh nổi bật được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua.
Các nhà kinh tế nhận định động thái như vậy có thể giúp chính phủ giảm bớt ngay lập tức áp lực do tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Nhưng về lâu dài, ý nghĩa của việc cho phép người dân thiết lập các quầy hàng tự do trên đường phố là chưa chắc chắn. Liệu chính phủ Bắc Kinh sẽ khuyến khích bán hàng rong đến bao giờ? Hay đây chỉ là biện pháp tạm thời để đối phó với làn sóng thất nghiệp lên cao?
Cai Fang, phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định chính sách khuyến khích bán hàng rong nên được thực thi vĩnh viễn vì nó là một phương thức tạo việc làm hiệu quả. “Nền kinh tế bán hàng rong nên được quản lý thay vì cấm hoàn toàn” - ông Cai nói thêm.