Thấy gì khi làn sóng giảm lãi suất cho vay lan rộng?
Làn sóng giảm lãi suất cho vay lan rộng
"Châm ngòi" cho việc giảm lãi suất cho vay đầu tiên là "ông lớn" quốc doanh VietcomBank, với mức giảm đồng loạt tới 1%/năm với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: "Đợt giảm lãi suất này sẽ có tác động đến khoảng 175.000 khách hàng với quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa danh mục tín dụng của Vietcombank".
Đáng chú ý, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Agribank cũng công bố giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Làn sóng giảm lãi suất cho vay lan rộng sang khối ngân hàng thương mại cổ phần với sự nhập cuộc của HDBank và ACB, mức giảm lãi suất cho vay lên tới 3,5%.
Mới nhất, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) triển khai chương trình giảm lãi suất đến 1,5%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn cho khách hàng vay kinh doanh khi duy trì nguồn tiền trong tài khoản thanh toán.
Để có dư địa giảm lãi suất, lãnh đạo một NHTM cho biết ngân hàng cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đối tượng được giảm lãi suất có chọn lọc, tập trung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Các ngân hàng kỳ vọng gì?
Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù ít hay nhiều cũng là hỗ trợ quý giá đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối các chi phí, chỉ tiêu kinh doanh để "tiếp sức" doanh nghiệp.
Thế nhưng, "tham vọng" khi thực hiện giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hiện tại của nhóm các ngân hàng này đó chính là có được lợi thế hơn khi được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, không chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2022. Hơn nữa, đây còn là động thái "dọn đường" với kỳ vọng được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trong năm tới 2023, theo giới phân tích.
Điều đó cũng không phải là không có cơ sở.
Thực tế, trong đợt nới room tín dụng mới nhất thêm 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đầu tuần này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những nhà băng có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
"Chúng tôi dành room tín dụng, ưu tiên thỏa đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.
Tất nhiên bên cạnh cố gắng tích cực của các nhà băng bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Dự báo cho năm 2023, Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
Dựa trên những yếu tố này, VnDirect dự báo VPB, MBB, HDB và VCB là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.