Thế “lưỡng nan” của tiền tệ

22/02/2020 06:52 GMT+7
Dịch COVID-19 đang đặt cơ quan điều hành trước một tình thế lưỡng nan, đó là có nên nới lỏng tiền tệ hay không khi mà dịch bệnh đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%.
Thế “lưỡng nan” của tiền tệ  - Ảnh 1.

Ngay cả khi các ngân hàng cho vay thì nhiều doanh nghiệp cũng chẳng dám “mang công mắc nợ” trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Nới lỏng…

Những ngày này trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia về điều hành chính sách tiền tệ. Người thì “hiến kế” nên nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, trong khi cũng không ít người lại bảo không nên nới lỏng tiền tệ vì điều đó có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Quả thực đây là một bài toán “khó nhằn” đối với cơ quan điều hành.

Không thể phủ nhận dịch COVID-19 đang “phủ bóng đen” lên nhiều ngành kinh tế, khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay khó có thể thành hiện thực. Trong bối cảnh đó, nởi lỏng tiền tệ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xem ra là một giải pháp hợp lý, là việc nên làm.

Đó là chưa kể hiện mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam đang cao hơn khá nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực do lạm phát cao, mức độ rủi ro lớn. Khoảng chênh này sẽ càng nới rộng nếu như chính sách tiền tệ vẫn được giữ ổn định, trong khi nhiều nước trong khu vực đang mạnh tay cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Điều đó chắc chắn sẽ càng chất thêm khó khăn cho các doanh nghiệp Việt vốn cũng đang phải vật lộn với dịch COVID-19.

Tỷ giá cũng vậy, nếu tiếp tục duy trì ổn định, trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY) đang rớt giá mạnh so với USD cũng sẽ khiến đồng nội tệ của chúng ta tăng giá mạnh so với các đồng tiền này. Đồng nội tệ tăng giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Đó chính là lý do nhiều doanh nghiệp và cả các chuyên gia lên tiếng khuyến nghị cơ quan điều hành nên thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

… hay không?

Thế nhưng, luồng ý kiến thứ hai lại bảo không nên nới lỏng tiền tệ bởi chính sách này chưa chắc đã hóa giải được những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Nói như GS.TS Trần Ngọc Thơ, “nếu nới lỏng tiền tệ mà giúp nền kinh tế kháng cự được những hệ luỵ từ dịch COVID-19, thì Thống đốc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới có lẽ nên là những người xứng đáng nhất được vinh danh giải Nobel Y khoa”.

Quả vậy, việc nới lỏng tiền tệ chắc chắn không thể làm cho những chuyến xe tải chở nông sản đang ùn tắc tại cửa khẩu thông quan nhanh hơn; không thể giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày, lắp ráp điện tử có được nguồn nguyên phụ liệu để hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu; không thể kéo du khách dến với Việt Nam như thời gian trước…

Ngay cả các ngân hàng dù có khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, song việc cho vay mới thì còn phải “trông giỏ bỏ thóc”, chứ không thể “nhắm mắt” cho vay nếu như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn đình trệ, đầu ra của sản phẩm vẫn bế tắc. Ngay cả khi các ngân hàng cho vay thì nhiều doanh nghiệp cũng chẳng dám “mang công mắc nợ” trong thời điểm khó khăn hiện nay. Rõ ràng việc nới lỏng tiền tệ trong trường hợp này hiệu quả là không cao.

Trong khi việc nới lỏng tiền tệ nếu không thận trọng lại có thể gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô khi mà nó có thể “đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát” vốn đã “bốc cao hơn” trong thời gian gần đây. Cần nhớ rằng CPI tháng 1/2020 bật tăng tới 1,23% so với tháng trước và tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tiền tệ. Nhiều dự báo cũng cho thấy, lạm phát bình quân năm nay có thể lên tới 4,86%, vượt xa mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ khó có thể nới lỏng thêm.

Chưa kể nới lỏng tiền tệ có thể khiến VND giảm giá, dù có thể có lợi cho xuất khẩu, song lại làm tăng thêm gánh nặng nợ nước ngoài của quốc gia, của doanh nghiệp, đẩy lạm phát cao hơn và làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định vĩ mô của Việt Nam. Một mối lo nữa là Việt Nam vẫn đang nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ, nên nếu đồng nội tệ mất giá mạnh, thì Việt Nam có thể bị Mỹ gắn cho cái mác thao túng tiền tệ.

Rõ ràng, điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đang đứng trước một thách thức rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, lời khuyên của các chuyên gia là nên theo dõi sát tình hình để linh hoạt ứng biến mà thôi. Âu cũng là “dĩ bất biến để ứng vạn biến”.

Hà Anh/enternews
Cùng chuyên mục