Thị trường bất động sản đứng giữa "ngã 3 đường", kịch bản nào sẽ xảy ra?

03/11/2024 14:12 GMT+7
Với nền tảng pháp lý từ các luật mới, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi với những chuyển biến rõ nét hơn. Tuy nhiên, chuyên gia dự báo thị trường 2025 - 2030 sẽ có 3 kịch bản và khả năng xấu sẽ ít xảy ra.

Thị trường bất động sản 2025 - 2030 khó xảy ra kịch bản xấu

Ông Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030, thị trường bất động sản có khả năng sẽ diễn ra theo 1 trong 3 kịch bản.

Với kịch bản tích cực, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ và đây là kịch bản này có thể xảy ra, nhưng không lớn.

Với kịch bản trung tính, thị trường bất động sản sẽ phát triển sôi động trên mọi phân khúc, không có bùng phát cực đoan. Đây cũng là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Với kịch bản không thuận lợi, thị trường sẽ phân mảng trái chiều, một số phân khúc trầm lắng. Đây là kịch bản ít xảy ra nhất.

"Thời gian tới cần hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống luật pháp liên quan đến bất động sản, đẩy mạnh các trình tự thủ tục để đưa luật đi vào cuộc sống; cũng như sớm ban hành những văn bản hướng dẫn các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản...", ông Chung chia sẻ.

Thị trường bất động sản đứng giữa "ngã 3 đường", kịch bản nào sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Dự báo thị trường bất động sản 2025 - 2030 sẽ phát triển sôi động trên mọi phân khúc. Ảnh: Thái Nguyễn

Đề xuất giải pháp, ông Chung cho biết Việt Nam cần thu hút đủ nguồn lực truyền thống và mới cho phát triển thị trường như hệ thống tái thế chấp; quỹ tiết kiệm tương hỗ; quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Ngoài ra, cần phải sớm cải thiện quy trình, thủ tục liên quan đến quy hoạch và sử dụng đất. Trong đó, việc giao đất, cho thuê đất có gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất chủ yếu thông qua đấu thầu đòi hỏi phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẵn sàng.

Ngoài ra, ông Chung cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản cho đến nay vẫn chưa có sự tham gia của các công cụ tài chính như: hệ thống tái thế chấp; quỹ tiết kiệm tương hỗ; quỹ đầu tư tín thác;… Vì vậy, với giai đoạn mới hiện nay, thách thức "ra đời" các công cụ tài chính phái sinh mới là rất lớn và hết sức cần thiết.

Nhiều chuyên gia nhận định, kể từ khi bộ 3 luật (đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản) có hiệu lực từ 1/8/2024, thị trường bất động sản đã ghi nhận những diễn biến phục hồi tích cực với sự quan tâm của nhà đầu tư quay trở lại tương đối sôi động. Trong đó, nguồn cung, giá cả, giao dịch trên thị trường bất động sản dần có sự chuyển biến tích cực.

Địa phương và doanh nghiệp cần làm gì để thị trường bất động sản sớm phục hồi?

Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án;...

Cùng với đó, thúc đẩy triển khai thực hiện mục tiêu của "Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội". Trong đó, đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển nhà ở của địa phương và tiếp tục xem xét, lập danh mục dự án đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình.

Thị trường bất động sản đứng giữa "ngã 3 đường", kịch bản nào sẽ xảy ra? - Ảnh 2.

Tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn là "nút thắt" quan trọng để ổn định thị trường bất động sản. Ảnh: Thái Nguyễn

Đặc biệt, các địa phương cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Ngoài ra, cần công khai thông tin về thị trường bất động sản nhằm bảo đảm minh bạch, ngăn chặn các tiêu cực trong kinh doanh bất động sản.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng yêu cầu cần rà soát tiết giảm chi phí trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ".

Bên cạnh đó, tổ chức cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp, tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực tài chính, khả năng quản trị của doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải. Đặc biệt, chủ động giải quyết các vướng mắc của dự án về pháp lý, nguồn vốn; có trách nhiệm tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán,...

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục