Thị trường bất động sản Mỹ tăng nóng bất thường, Fed tiếp tục "đổ dầu vào lửa"
Bất chấp việc giá nhà đang tăng với tốc độ kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Fed tiếp tục kéo dài chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng, trong đó 40 tỷ USD được dùng để mua tài sản trái phiếu thế chấp. Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định: “Fed có vẻ đang đổ thêm dầu vào lửa”
Tất nhiên, ngân hàng trung ương xứng đáng được ghi nhận vì những nỗ lực lịch sử của họ nhằm ngăn chặn cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 biến thành một cuộc suy thoái trên diện rộng. Ngay khi đại dịch bắt đầu tấn công nền kinh tế vào đầu năm ngoái, Fed đã nhanh chóng hạ lãi suất cơ bản về mức tiệm cận 0 và tung ra hàng loạt chương trình khẩn cấp nhằm bơm tín dụng vào thị trường tài chính với cam kết nới lỏng định lượng trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo từ Ngân hàng Trung ương phối hợp cùng các gói kích thích tài khóa trị giá hàng nghìn tỷ USD từ Quốc hội và Nhà Trắng đã tạo tiền đề thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ.
Nhưng song song với tốc độ phục hồi kinh tế mạnh mẽ, có một thực tế là lạm phát đang gia tăng chóng mặt. Nhiều nhà phân tích cho rằng có thể đã đến lúc Fed cần bắt đầu siết lại chính sách tiền tệ nới lỏng của họ, ít nhất là chương trình mua tài sản.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận trong cuộc họp báo tuần trước rằng thị trường việc làm có khả năng phục hồi "rất mạnh" trong tương lai gần và nguy cơ lạm phát sẽ không biến mất nhanh như nhiều dự báo trước đó.
Giá nhà ở không nằm ngoài quỹ đạo lạm phát đó.
Giá bán trung bình cho một ngôi nhà Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 341.600 USD vào tháng 4 năm nay, mức cao nhất kể từ khi Hiệp hội Môi giới Quốc gia bắt đầu theo dõi giá nhà ở vào năm 1999. Giá nhà ở hộ gia đình cũng tăng 20% so với năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ đầu thập niên 70.
Jason Furman, cựu cố vấn kinh tế hàng đầu từng phục vụ dưới thời chính quyền Obama, nhận định: “Giá nhà ở đang bùng nổ ngay lúc này. Mọi thứ trong lĩnh vực bất động sản đều đang tăng giá”.
Danielle DiMartino Booth, một cựu quan chức của Fed, đồng ý rằng tại thời điểm này, điểm khởi đầu rõ ràng nhất để Fed bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng nên là thu hẹp gói mua tài sản trái phiếu thế chấp. Bởi cho đến nay, chính lãi suất vay thế chấp cực thấp đã góp phần tạo nên cơn sốt giá nhà ở.
Cơn sốt bất động sản khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn
Khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn cao gấp đôi mức trước đại dịch và dịch bệnh vẫn tiềm tàng những diễn biến phức tạp, dễ hiểu vì sao các quan chức Fed cho rằng việc loại bỏ các hỗ trợ kinh tế lúc này là quá sớm. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hành động như vậy vào năm 2011, một động thái mà sau đó đã đẩy nền kinh tế châu Âu vào một cuộc suy thoái kép.
Fed cũng không muốn “phản bội” các nhà đầu tư đã quen với việc vay với lãi suất tiệm cận 0. Việc tăng lãi suất sớm có thể làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế và khiến thị trường sụt giảm mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương với thị trường nhà ở có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế. Một nghiên cứu của viện Urban cho thấy tính đến năm 2017, tỷ lệ người Mỹ da đen sở hữu nhà chỉ là 42%, kém xa tỷ lệ 72% của người Mỹ da trắng. Khoảng cách 30% đó lớn hơn mức 27% được ghi nhận trong thập niên 60. Khi cuộc khủng hoảng đại dịch đẩy nhiều người vào tình trạng mất việc, đặc biệt là người da màu và người lao động trình độ thấp, trong khi thị trường chứng khoán tăng vọt tiếp tục củng cố tài sản của những người giàu; thì rõ ràng việc Fed kéo dài gói mua tài sản và thị trường bất động sản tăng nóng đang góp phần thúc đẩy sự bất bình đẳng gia tăng.