Thị trường cà phê có xu hướng đi xuống tuần qua
Giá cà phê hôm nay 2/4: Giảm 200 đồng/kg trong tuần qua
Giá cà phê hôm nay (2/4) dao động trong khoảng 48.100 - 48.500 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng đi xuống. Vào cuối tuần, các địa phương ghi nhận mức giảm 200 đồng/kg so với đầu tuần.
Giá cà phê tuần qua nhìn chung giảm. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận giảm 100 - 200 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giá xuống còn 48.100 đồng/kg - mức thấp nhất ở thời điểm hiện tại, sau khi giảm 100 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Nông và Kon Tum cùng thu mua cà phê với mức 48.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Tỉnh Gia Lai ghi nhận mức giao dịch là 48.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 100 đồng/kg còn 48,500 đồng/kg vào cuối tuần này.
Giá cà phê thế giới chốt phiên cuối tuần (ngày 1/4) theo xu hướng hỗn hợp, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng giảm trái chiều theo kỳ hạn giao hàng, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 giảm 10 USD (0,45%), giao dịch tại 2.206 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 2 USD (0,09%), giao dịch tại 2.173 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 0,7 Cent/lb (0,41%), giao dịch tại 170,5 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 0,7 Cent/lb (0,41%), giao dịch tại 169,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Trong tuần qua, đồng Real đã tăng thêm 3,43% giá trị đã hỗ trợ cho việc bán hàng nông sản xuất khẩu. Những quy tắc tài chính mới ban hành của Brazil đã tiếp tục hỗ trợ đồng Real mạnh thêm, đưa tỷ giá tăng mạnh, khiến các nhà xuất khẩu không mua được hàng, bên cạnh còn là sự tài trợ tín dụng của Funcafe đã khiến nông dân trồng cà phê tiếp tục kháng giá để trông chờ mức giá cao quay trở lại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính xuất khẩu cà phê tại Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 230.000 tấn, tăng mạnh so với 180.000 tấn của tháng trước cung như mức 211.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái, đang dần cho thấy sự hồi phục. Tuy vậy, việc lũy kế xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm vẫn thấp hơn 1,6% so với năm 2022 cũng phần nào hạn chế đà giảm của mặt hàng này.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ngành cà phê Việt Nam hiện còn nhiều thách thức như sự cân đối trong cán cân cung cầu, đặc biệt là tiêu thụ nội địa. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Đây vẫn là khó khăn lớn của ngành. Để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, Việt Nam cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, các quy định mới chặt chẽ của các nước nhập khẩu vừa là áp lực, nhưng cũng vừa là động lực cho ngành nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như thúc đẩy việc kinh doanh quản lý hiệu quả hơn.
Doanh số xuất khẩu cà phê có thể giảm trong năm 2023?
Được biết, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trên 40% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2023 nhưng giá giảm nhẹ 0,2%, đạt 200.056 tấn, tương đương 434,91 triệu USD, giá trung bình 2.173,9 USD/tấn. Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê giảm 7,7% về lượng, giảm 9,5% về kim ngạch và giảm 1,9% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022, đạt 342.352 tấn, tương đương 745,29 triệu USD, giá trung bình 2.177 USD/tấn.
Cà phê của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức trong 2 tháng đầu năm 2023, chiếm 14% trong tổng lượng và chiếm 12,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 47.791 tấn, tương đương 94,91 triệu USD, giá 1.986 USD/tấn, tăng 1,3% về lượng, nhưng giảm 9,1% về kim ngạch và giảm 10,3% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022; riêng tháng 2/2023 xuất khẩu đạt 26.304 tấn, tương đương 52,54 triệu USD, tăng 22,4% về lượng, tăng 24% kim ngạch so với tháng 1/2023.
Xuất khẩu cà phê sang Italia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 43,9% về lượng, tăng 33,8% kim ngạch, nhưng giảm 7% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022, đạt 35.635 tấn, tương đương 72,73 triệu USD, giá 2.040,8 USD/tấn, chiếm trên 10,4% trong tổng lượng và chiếm 9,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ cũng tăng 47,2% về lượng, tăng 22,2% kim ngạch nhưng giảm 17% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022, đạt 24.138 tấn, tương đương 51,67 triệu USD, giá trung bình 2.140,5 USD/tấn, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Nhìn chung, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2022.
Thực tế, xuất khẩu đầu niên vụ 2022-2023 vẫn đang khá thuận lợi nhưng một số dự báo cho rằng xuất khẩu cà phê năm 2023 có thể giảm do nguồn cung không dồi dào như năm trước, trong khi giá cà phê có xu hướng giảm do cung – cầu cà phê thế giới chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.
Trong đó, giá đặc biệt biến động mạnh trong giai đoạn nửa sau của năm khi tăng 12,7% từ 2.299 USD/tấn của tháng 7 lên 2.591 USD/tấn vào tháng 10. Nhưng sau đó giá nhanh chóng giảm 14% xuống chỉ còn 2.234 USD/tấn trong tháng cuối cùng của năm.
Thị trường cà phê trong nước cũng có diễn biến tương tự, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì quanh mức 40.000 – 44.000 đồng/kg trong 7 tháng đầu năm, sang đến tháng 8 giá tăng vọt lên gần 51.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo.
Tính đến ngày 31/12, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng giá chỉ còn 38.600 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai dao động ở mức 39.200 – 39.300 đồng/kg, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 8 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung cà phê được bổ sung từ vụ thu hoạch 2022-2023 và triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu được cho là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên thị trường trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo chỉ tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn.
Cùng chung nhận định, VICOFA cho rằng lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm mạnh so với niên vụ trước do hàng tồn kho từ vụ 2021 - 2022 sang ước tính không đánh kể.
Trong khi đó, sản lượng niên vụ cà phê năm nay cũng được dự báo giảm. Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Mặc dù vậy, VICOFA cho rằng tỷ lệ hàng đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ nhiễm thuốc Glyphosate của cà phê Việt Nam được đánh giá ở mức tốt là lợi thế cạnh tranh chính so với robusta Brazil. Hiện Liên minh châu Âu đang cảnh báo sẽ tiếp tục siết trong trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cước tàu đi châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh và bình ổn so với năm 2020 - 2021.