Giá cà phê hai sàn đảo chiều sụt giảm, cà phê nội giảm nhẹ
Giá cà phê hôm nay 23/3: Quay đầu giảm 100 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 18 USD, xuống 2.112 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 20 USD, còn 2.095 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 2,30 cent, xuống 178,00 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,40 cent, còn 176,85 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 46.900 - 47.300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 46.900 đồng/kg sau khi giảm 100 đồng/kg. Kế đến là Gia Lai với 47.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Đắk Nông duy trì mức giao dịch là 47.200 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk ở mức 47.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi giảm 100 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn đảo chiều sụt giảm sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng mức lãi suất điều hành USD lên thêm 0,25% tại phiên họp vừa kết thúc tối hôm qua. Trong khi đó, lo ngại rủi ro tăng cao do trước đó thị trường có nhiều suy đoán Fed sẽ không thay đổi mức lãi suất, thậm chí còn có suy đoán mức lãi suất có thể giảm bớt sau khủng hoảng ngân hàng vừa xảy ra làm thị trường tài chính toàn cầu phải lao đao, buộc các chính phủ liên quan phải ra tay giải cứu.
Giá vàng đảo chiều tăng mạnh khi đầu cơ quay lại tìm nơi trú ẩn và chứng khoán Mỹ sụt giảm cũng đã đẩy giá cà phê vào thế bất lợi do đầu cơ thoái vốn.
Tuy nhiên, thương mại trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn diễn ra với khối lượng tương đối thấp cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài để chờ đợi thêm những tin tức hỗ trợ mới.
Tính đến thứ tư ngày 22/03, tồn kho cà phê Robusta được ICE – London chứng nhận và theo dõi cấp phát, đã tăng thêm 2.640 tấn, tức tăng 3,55% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 76.970 tấn (tương đương 1.316.167 bao, bao 60 kg), đứng ở mức cao 3,5 tháng, đã góp phần gây sức ép lên giá kỳ hạn tại London.
Theo các đại lý, giá Arabica thiếu xu hướng tổng thể rõ ràng và đang giảm trở lại xuống mức trung bình của tháng này.
Xuất khẩu cà phê của Uganda trong tháng 2/2023 tăng 6% so với cùng tháng năm trước do giá tăng thúc đẩy các nhà đầu tư giải phóng dự trữ của họ.
Kể từ tuần 13 (27/03 – 01/04), cả hai thị trường cà phê kỳ hạn sẽ chính thức giao dịch theo giờ mùa hè, mở cửa và đóng cửa sớm hơn trước 1 giờ.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 4,1 nghìn tấn, trị giá 10,11 triệu USD, tăng 24,1% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 110,3% về lượng và tăng 136,6% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường Hà Lan đạt 7,42 nghìn tấn, trị giá 18,77 triệu USD, tăng 93,1% về lượng và tăng 105,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến giá: Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt mức 2.461 USD/ tấn, giảm 4,8% so với tháng 1/2023, nhưng tăng 12,5% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Hà Lan đạt mức 2.517 USD/tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta sang Hà Lan đạt 2,53 nghìn tấn, trị giá 5,02 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng tăng mạnh 60,6% về lượng và tăng 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cà phê Arabica sang Hà Lan đạt 709 tấn, trị giá 2,97 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với tháng 12/2022, nhưng so với tháng 1/2022 tăng mạnh 310,4% về lượng và tăng 251,1% về trị giá.