Giá cà phê hai sàn trở lại trái chiều, cà phê nội tăng tiếp 200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 28/3: Tăng tiếp 200 đồng/kg
Khoảng cách ngày càng tăng của cấu trúc giá nghịch đảo sàn London cho thấy nhu cầu hàng giao ngay ngày càng khẩn thiết.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 25 USD, lên 2.214 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 1 USD, lên 2.166 USD/tấn, trong khi các kỳ hạn giao xa đều sụt giảm. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng thêm khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 2,35 cent, xuống 176,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 2,15 cent, còn 176,15 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 200 đồng, lên dao động trong khung 48.400 - 48.800 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 48.400 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 48.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ở cùng mức 48.800 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại trái chiều khi lo lắng nguồn cung Robusta toàn cầu thiếu hụt đã thúc đẩy đầu cơ sàn London đẩy mạnh khoảng cách giá nghịch đảo để bán hàng giao ngay.
Theo các nhà quan sát, thị trường đã xới lại dự báo của Volcafe về nguồn cung toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 5,6 triệu bao cà phê Robusta trong năm nay do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê “giàu vị đắng” ngày càng nhiều sau các đợt lây lan dịch bệnh covid-19 vừa qua, lượng tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà tăng cao, trong khi Volcafe cũng dự báo Indonesia, nhà sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới sẽ thu hoạch một vụ mùa thấp nhất trong vòng 10 năm qua do thời tiết bất lợi.
Thương mại cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hầu như không còn hoạt động. Chỉ ghi nhận một vài thương nhân bán sang tay lẫn nhau để trang trải cho các hợp đồng đã ký. Theo các nhà quan sát, lượng cà phê Robusta của vụ mùa vừa thu hoạch đã nằm trong tay các nhà xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm phần lớn.
Hầu hết các thương nhân địa phương đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng hồ tiêu do đã vào giai đoạn cuối của vụ thu hoạch mới, lượng hồ tiêu được nhà nông bán ra ngày càng nhiều. Thời điểm hiện tại là cơ hội để đẩy giá cà phê Robusta kỳ hạn lên để bán hàng giao ngay. “Lỗ hàng giấy 1 nhưng lời hàng thật 10 thì ai lại bỏ qua cơ hội này”, một ý kiến phân tích đã chỉ ra.
Báo cáo tồn kho ICE London ngày hôm qua, thứ hai 27/03 đã giảm thêm 800 tấn, tức giảm 1,05% so với ngày trước đó, xuống ở mức 75.500 tấn (tương đương 1.258.333 bao, bao 60kg), đã góp thêm phần gây mối lo thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn.
Ngày 10/3, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo, thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 sẽ thâm hụt năm thứ hai sau mức thâm hụt từ 4 triệu bao đến 5 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022 do ảnh hưởng của vụ mùa Arabica.
Trước đó, trong báo cáo hai năm một lần công bố vào ngày 23/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2022 - 2023 toàn cầu 1,3% xuống 172,8 triệu bao so với ước tính 175 triệu bao hồi tháng 6. Ngoài ra, USDA đã cắt giảm ước tính tồn kho cà phê cuối vụ 2022 - 2023 toàn cầu 1,7% xuống 34,1 triệu bao so với ước tính 34,7 triệu bao hồi tháng 6.
Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) của USDA vào ngày 22/11 đã cắt giảm 2,6% dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2022 - 2023 của Brazil xuống còn 62,6 triệu bao so với ước tính trước đó là 64,3 triệu bao.
Năm nay được cho là năm có năng suất cao hơn trong vụ cà phê hai năm một lần tại Brazil, nhưng sản lượng cà phê năm nay đã bị cắt giảm do hạn hán.
Những ngày giữa tháng 3/2023, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh do những bất ổn về thị trường tài chính ngân hàng tại một số nền kinh tế. Thêm vào đó, những nhận định về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sắp tới thay đổi liên tục khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có mặt hàng cà phê.
Giá cà phê thế giới cũng giảm sau báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Hoa Kỳ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2/2023 đã tăng thêm 5,9% so với tháng 1/2023, lên ở mức 6,105 triệu bao. Dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý, tính đến ngày 17/3/2023 tăng thêm 2.190 tấn (tăng 2,97%) so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60 kg), mức cao mới trong tháng 3/2023. Trong khi tỷ giá đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp 2,5 tháng cũng góp phần hỗ trợ người trồng cà phê nước này đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 200 nghìn tấn, trị giá 434,9 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với tháng 01/2023, so với tháng 2/2022 tăng 43,5% về lượng và tăng 35,3% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 342,3 nghìn tấn, trị giá 745,28 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.174 USD/tấn, giảm 0,2% so với tháng 01/2023 và giảm 5,7% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Bỉ, Nhật Bản. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3 con số, gồm: Angieria, Hà Lan, Mehico, Nga, Ý…