Giá cà phê Robusta hồi phục nhẹ, cà phê nội cũng nhích lên
Giá cà phê hôm nay 24/3: Tăng từ 100 đồng/kg đến 200 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 12 USD, lên 2.124 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 10 USD, lên 2.105 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York nối tiếp đà giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 3,70 cent, xuống 174,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 3,40 cent, còn 173,45 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 47.000 - 47.400 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 47.000 đồng/kg sau khi tăng 100 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông duy trì mức giao dịch là 47.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ở cùng mức 47.400 đồng/kg, tương ứng tăng 100 đồng/kg và 200 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều khi nhà đầu tư gia tăng bán khống trên sàn New York vói suy đoán Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất tiền tệ do lạm phát vẫn còn ở mức cao, trong khi các nhà sản xuất cà phê Arabica ở khu vực Nam Mỹ sắp bước vào thu hoạch vụ mới năm nay với nhiều dự báo sản lượng tăng do thời tiết có mưa dồi dào.
Trong khi đó, giá cà phê kỳ hạn London hồi phục nhẹ lúc gần cuối phiên khi thị trường xới lại dự báo nguồn cung Robusta toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 5,6 triệu bao của Volcafe, sau tin của Reuters dự báo sản lượng của Indonesia năm nay sụt giảm vì mưa quá nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn duy trì ở mức cao có thể gây khó khăn cho nhà xuất khẩu của nước này.
Thị trường cà phê tháng 2 sôi động hơn bởi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Theo đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil và báo cáo tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê thế giới.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York đã phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn thị trường nội địa Brazil. Trong khi đó, lượng tồn kho xuống thấp sau hai vụ mùa yếu kém khiến người nông dân không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 39,9 triệu bao.
Tháng 2, giá cà phê Robusta và Arabica ở thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Ở thị trường Việt Nam, trong tháng 2 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.056 tấn, trị giá 435 triệu USD, so với tháng trước tăng 40% về lượng và trị giá. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và 9,5% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đạt 2.177 USD/tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong hai tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg).
Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê dao động trong khoảng 46.700 - 47.100 đồng/kg. Đây là mức giá giao dịch cao nhất trong 5 tháng trở lại đây và chỉ kém khoảng 2.500 đồng/kg so với mức đỉnh 50.700 đồng/kg đạt được vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng đà tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại trong ngắn hạn, điều này sẽ ảnh hưởng giá cà phê trong nước. Tuy nhiên, về dài hạn, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng nhu cầu hạt cà phê trong năm nay sẽ còn tăng mạnh, thậm chí cao hơn năm 2022.
Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá sẽ có thể bằng với cao của năm ngoái thậm chí hơn. Chiến lược của các nhà mua lớn là bắt đầu gom hàng ngay từ đầu vụ. Hiện tại nguồn cung arabica ở Việt Nam gần như đã được mua hết.
Những ngày giữa tháng 3/2023, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh do những bất ổn về thị trường tài chính ngân hàng tại một số nền kinh tế. Thêm vào đó, những nhận định về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sắp tới thay đổi liên tục khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có mặt hàng cà phê.
Giá cà phê thế giới cũng giảm sau báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Hoa Kỳ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2/2023 đã tăng thêm 5,9% so với tháng 1/2023, lên ở mức 6,105 triệu bao. Dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý, tính đến ngày 17/3/2023 tăng thêm 2.190 tấn (tăng 2,97%) so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60 kg), mức cao mới trong tháng 3/2023. Trong khi tỷ giá đồng Real của Brazil giảm xuống mức thấp 2,5 tháng cũng góp phần hỗ trợ người trồng cà phê nước này đẩy mạnh bán hàng cà phê xuất khẩu.