Giá cà phê hai sàn "quay đầu", cà phê nội tăng giá mạnh
Giá cà phê hôm nay 31/3: Tăng 1.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 46 USD, lên 2.216 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 38 USD, lên 2.171 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo nới rộng khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 0,10 cent, lên 169,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 0,05 cent, lên 169,00 cent/lb, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng tăng khi người Brazil giảm bán và sự kháng giá tại thị trường nội địa các nước sản xuất do các tiền tệ mới nổi không hỗ trợ cho việc mua bán hàng hóa trên các sàn giao dịch quốc tế.
Trong khi đó, dữ liệu báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự đoán có thể khiến Fed chùng tay trong phiên họp điều hành sắp tới. Thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thay đổi lãnh đạo sau biến động của ngành ngân hàng thế giới có thể khiến việc duy trì đồng Yen lãi suất thấp kéo dài sẽ bị dỡ bỏ sau khi tung hàng nghìn tỷ USD tiền mặt của Nhật Bản vào đầu tư thế giới đã hỗ trợ thị trường giá tăng.
Theo các phân tích kỹ thuật, cấu trúc giá nghịch đảo trên các thị trường cà phê phái sinh đang hỗ trợ xu hướng giá tăng trong ngắn hạn. Trong khi thị trường vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung Robusta từ Indonesia năm nay thiếu hụt.
Những quy tắc tài chính mới ban hành của chính phủ Brazil đã có phản ứng tốt trên thị trường khi tỷ giá đồng Reais tăng thêm 0,74% lên ở mức 1 USD = 5,0970 R$ đã không khuyến khích việc bán cà phê xuất khẩu từ Brazil.
Về sản lượng cà phê trong những tháng đầu năm nay, tại nhiều quốc gia đã ghi nhận sự sụt giảm.
Chẳng hạn như tại Colombia, sản lượng lượng cà phê trong tháng đầu năm 2023 đã không ghi nhận tăng trưởng sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này khiến tổng sản lượng cà phê trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023 của nước này giảm 10% xuống 11 triệu bao.
Còn tại Peru, tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập trong các báo cáo gần đây. Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của nước này.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 39,9 triệu bao. Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm gần 90% xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 với khối lượng đạt 10,2 triệu bao, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 36 triệu bao, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil đảo chiều giảm 17% trong tháng 1 và giảm 0,1% sau 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuống 13,1 triệu bao. Các lô hàng Arabica khác tiếp tục đi xuống trong tháng thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 18% trong tháng 1 xuống 1,6 triệu bao. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này sau 4 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ đạt 5,1 triệu bao, giảm 18%.
Biến động mạnh nhất phải kể đến nhóm Arabica Colombia, xuất khẩu nhóm cà phê này đã giảm tới 20,9% trong tháng 1 và giảm 15,9% trong 4 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống 3,7 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 10,1% trong tháng 1 và giảm 1,4% trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt gần 14 triệu bao.
Không nằm ngoài xu hướng chung, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 3% trong tháng 1 xuống 0,9 triệu bao. Tổng cộng 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã có 3,7 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, giảm 11,2% so với niên vụ cà phê trước và chiếm tỷ trọng khoảng 10,1% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 9% trong tháng 1, xuống 61.683 bao. Lũy kế sau 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, khối lượng cà phê rang xay được xuất khẩu trên thế giới đã giảm xuống còn 278.977 bao so với 289.578 bao cùng kỳ năm trước.
Những ngày giữa tháng 3/2023, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh do những bất ổn về thị trường tài chính ngân hàng tại một số nền kinh tế. Thêm vào đó, những nhận định về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sắp tới thay đổi liên tục khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có mặt hàng cà phê.
Giá cà phê thế giới cũng giảm sau báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Hoa Kỳ cho biết mức tồn kho tính đến cuối tháng 2/2023 đã tăng thêm 5,9% so với tháng 1/2023, lên ở mức 6,105 triệu bao. Dữ liệu báo cáo tồn kho do ICE – London quản lý, tính đến ngày 17/3/2023 tăng thêm 2.190 tấn (tăng 2,97%) so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (khoảng 1.266.000 bao, bao 60 kg), mức cao mới trong tháng 3/2023.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 900 – 1.000 đồng, lên dao động trong khung 48.600 - 49.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 48.600 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 48.900 đồng/kg. Giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai ở cùng mức 49.000 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Giá cà phê có xu hướng tăng, trong bối cảnh sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam được dự báo giảm.
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.