Áp lực nguồn cung, giá cà phê xuống thấp nhất 10 tháng

06/07/2022 19:45 GMT+7
Giá cà phê trong nước hôm nay 6/7 tuột dốc xuống mức 41.400 – 41.700 đồng/kg. Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới tiếp tục bị đe dọa do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp...

Giá trong nước mất mốc 42.000 đồng/kg 

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay đột ngột giảm thêm 600 đồng mất mốc 42.000 đồng/kg. Giá thấp nhất chốt tại Lâm Đồng, cao nhất ở Đắk Lắk. Tại cảng TP.HCM, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở 2.016 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Giá cà phê trong nước hôm nay cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 41.700 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 41.100 đồng/kg.

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng giảm 600 đồng/kg, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 41.200 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 41.100 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk giảm 600 đồng/kg, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 41.700 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 41.600 đồng/kg.

Giá cà phê tại Gia Lai giảm 600 đồng/kg, giá ở Pleiku là 41,600 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 41,600 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông giảm 600 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 41,600 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum  giảm 600 đồng/kg, dao động ở mức 41.600 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM giảm 600 đồng/kg, dao động ở ngưỡng 45.600 đồng/kg.

Áp lực nguồn cung, giá cà phê xuống thấp nhất 10 tháng - Ảnh 1.

Giá cà phê trong nước hôm nay 6/7 tuột dốc xuống mức 41.400 – 41.700 đồng/kg.

Trong đà giảm của thị trường, giá cà phê Robusta tiếp tục ghi nhận thêm một phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 10 tháng. Tỷ giá đồng Real tiếp tục sụt giảm, tiếp tục hỗ trợ người Brazil đẩy mạnh bán  cà phê Robusta vụ mới, bất chấp giá cà phê kỳ hạn đang bị áp lực kéo giảm. Thị trường cũng đang theo dõi Brazil đang thu hoạch vụ mùa theo chu kỳ hai năm một. Mới nhất là ước tính của USDA về dư cung toàn cầu so với nhu cầu trong niên vụ cà phê mới 2022/2023 gần 8 triệu bao.

Tuy nhiên, đối với cà phê Arabica, tồn kho của ICE Futures US - New York đang giảm xuống mức thấp hơn hai thập kỷ, đang hỗ trợ giá cà phê trong ngắn hạn.

Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 5/7 giảm trên cả hai sàn, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 38 USD (1,90%), giao dịch tại 1.961 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 39 USD (1,95%) giao dịch tại 1.962 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh Mỹ, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 tiếp tục giảm 3,6 Cent (1,60%), giao dịch tại 221,05 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 3,45 Cent/lb (1,56%), giao dịch tại 218,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Như vậy, giá cà phê Robusta tiếp tục ghi nhận thêm một phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất 10 tháng. 

Thị trường cà phê nội địa Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ chịu áp lực

Trước đó, cuối tháng 6/2022, giá cà phê thế giới giảm so với cuối tháng 5/2022. Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào khiến giá cà phê tiếp tục giảm.

Tại Brazil, đồng real giảm xuống mức thấp nhất 4,5 tháng so với đồng USD đã khuyến khích người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới.

Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê robusta tháng 6/2022 tăng so với tháng trước và tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2021.

Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu ở mức thấp.

Áp lực nguồn cung, giá cà phê xuống thấp nhất 10 tháng - Ảnh 2.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ mới 2022-2023 sẽ tăng 4,7% so với niên vụ 2020-2021 lên 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa Arabica của Brazil vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.

USDA cũng dự báo tồn kho cà phê toàn cầu cuối niên vụ 2022-2023 sẽ tăng 6,3% lên 34,7 triệu bao. Sản lượng cà phê Arabica của Brazil cũng được dự báo sẽ tăng 5,1 triệu bao lên 41,5 triệu bao. Phần lớn các khu vực sản xuất đang trong chu kỳ sản xuất hai năm một lần, do đó sản lượng khả năng sẽ cao hơn trong vụ tới. Tuy nhiên, sản lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 50 triệu bao trong các vụ mùa gần đây. Nhiều vùng trồng cà phê Arabica tiếp tục phục hồi sau các đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 7/2021 cũng như nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình cho đến tháng 9/2021. Băng giá nhẹ cũng được quan sát thấy vào tháng trước song dự báo chỉ gây thiệt hại nhẹ.

Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê Robusta được dự báo sẽ tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao so với vụ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi và quản lý cây trồng tốt. Diện tích thu hoạch tăng nhẹ cũng góp phần làm tăng sản lượng. Như vậy, tổng sản lượng thu hoạch Arabica và Robusta của Brazil trong vụ 2022-2023 là 64,3 triệu bao, tăng 6,2 triệu bao so với vụ trước.

Trong khi đó, tại Việt Nam, sản lượng dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta. Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu.

Tuy nhiên, giá phân bón tăng vọt lên tới 70% trong 6 tháng qua trong khi giá cà phê trong nước vẫn đi ngang khiến nông dân giảm sử dụng phân bón, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất và sản lượng so với năm trước.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính tháng 6/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5/2022 và tăng 18,9% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về chủng loại: Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 5/2022 đạt 125,1 nghìn tấn, trị giá 243,97 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 792,4 nghìn tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuât khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường chính tăng, gồm: Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Hà Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang Nhật Bản, Angieria, Trung Quốc, Malaysia, Pháp giảm.

Giá cà phê biến động mạnh trước dự báo "nóng" về sản lượng - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường cà phê nội địa Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ chịu áp lực trước những nút thắt về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, việc giới đầu cơ còn e ngại rủi ro tăng trưởng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hàng hóa, trong đó có mặt hàng cà phê. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine sẽ càng làm cho tiêu thụ cà phê thêm khó khăn.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), cảng Thượng Hải đã được dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng không thể một sớm một chiều giải quyết được lượng hàng hóa dồn ứ tại Trung Quốc.

Giá cước từ cảng lên hàng tại Trung Quốc hiện cao gấp 20 lần cước từ Mỹ để đưa hàng sang châu Á. Chính vì vậy, đường đi của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực ít ra trong vài tháng nữa, nếu như dịch Covid-19 hoàn toàn lắng dịu.

Dù không ít nhà kinh doanh cà phê Việt Nam đã chọn hướng thuê tàu rời để đưa hàng sang các nước nhập khẩu, nhưng chỉ các doanh nghiệp lớn, có mạng lưới hoạt động rộng khắp mới có khả năng thuê tàu cho riêng mình.

Doanh nghiệp cà phê Việt Nam, thường chỉ cỡ trung và nhỏ, bán qua trung gian là chủ yếu, nên chưa thể chủ động bán hàng như trước đại dịch. Sức bán vì vậy mà hạn chế. Lượng tồn kho sau 5 tháng đầu niên vụ đã giảm dần.

Hiện tượng tranh mua tranh bán giảm sẽ khiến cho giá bán xuất khẩu không rẻ như trước. Giá cà phê nội địa hiện nay khoảng 43 triệu đồng/tấn thì khó có thể chào giá xuất khẩu trừ trên 200 USD/tấn FOB. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến cho tiêu thụ cà phê của ta khó khăn hơn.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục