Thị trường chứng khoán 16/9: Trải qua các đợt rung lắc
BVSC: Xu hướng tích cực
Thị trường chứng khoán 16/9 dự báo sẽ tiếp tục biến động đi ngang với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895-905 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Về tổng thể, chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực về xu hướng thị trường trong thời gian tới. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, trong những phiên cuối tuần, diễn biến thị trường có thể bị biến động mạnh do ảnh hưởng từ phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 09 và hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs.
- Chiến lược đầu tư:
+ Duy trì tỷ trọng ở mức 50% cổ phiếu.
+ Đối với các nhà đầu tư đã thực hiện bán trước đó, có thể xem xét mở lại các vị thế mua trading tại vùng hỗ trợ 880-885 điểm của chỉ số.
+ Vùng kháng cự 900-905 điểm vẫn được xem là điểm bán trading các vị thế ngắn hạn cho các nhà đầu tư đang duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao.
VDSC: Thận trọng cao
Chỉ số VN-Index tiếp tục sideway với biên độ hẹp, tăng nhẹ +1,69 điểm (+0,19%) và đóng cửa tại 896,26. Một phiên biên độ hẹp nhưng khối lượng khớp lệnh lại tăng lên hơn 10% so cùng với phiên trước. Tiếp tục tích lũy, chỉ số VN-Index vẫn chưa thoát khỏi vùng 880-890 mặc dù các chỉ báo như ADX và MACD vẫn duy trì tín hiệu lạc quan. Đánh giá chung cho thấy, chỉ số Vnindex không tăng nhiều ở phiên hôm nay nhưng vẫn thể hiện tín hiệu tích cực hơn bi quan.
Chỉ số HNX-Index tăng nhẹ +0,50 điểm (+0,319) và đóng cửa tại vùng 127,93. Thanh khoản của sàn HNX vẫn không có sự biến đổi nào đáng kể. Chỉ số HNXindex tiếp tục đi lên sau khi phá vỡ vùng kháng cự 126.8. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục duy trì qua hai chỉ báo ADX và MACD. Sau tích lũy và phá vỡ biên trên, chỉ số HNXindex sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu 130 trong tương lai gần.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, với giá trị 360,3 tỷ. Nhiều nhất là VHM (-195,4 tỷ), theo sau là VNM (-44,3 tỷ), HDB (-25,1 tỷ), GAS (-24,4 tỷ), VCB (-24,1 tỷ) ... Phía mua ròng, nổi bật là VIC (+32,6 tỷ), tiếp đến là E1VFVN30 (+27,9 tỷ), NLG (+17,2 tỷ), VRE (+16 tỷ), PHR (+11,4 tỷ).
Mặc dù trong nhịp hồi phục nhưng VN-Index vẫn thể hiện sự thận trọng cao. Hiện tại nhịp hồi phục của thị trường có thể chỉ mang tính chất kiểm tra lại áp lực cản. Do vậy, nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng và cần quan sát tín hiệu của thị trường chứng khoán 16/9.
MBS: Trải qua các đợt rung lắc
Thị trường chứng khoán 15/9, cả VN-Index và VN30 đều có xu hướng biến động trong biên độ hẹp. Giới đầu tư đang thận trọng với diễn biến khó lường của phiên đáo hạn phái sinh (17/09) và phiên tái cơ cấu danh mục quý III/2020 của các quỹ diễn ra vào thứ Sáu (18/9) tới đây. Chính vì vậy, chỉ số giao dịch đã biến động trong biên độ hẹp kéo dài trong 5 phiên gần đây.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ thị trường phiên này là: VIC (+2,04%), GAS (+1,26%), BCM (+3,23%), VNM (+0,48%), BID (+0,62%),… đã lấn át áp lực giảm giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VHM (-0,90%), VCB (-0,6%), CTG (-0,78%), TCB (-0,70%), HVN (-1,1%),…
Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện với giá trị khớp lệnh đạt 5.535 tỷ đồng. Dòng tiền duy trì không chỉ giúp thị trường tăng về điểm số mà còn giúp giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hơn 360 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, lực bán tập trung vào các cổ phiếu VHM (195 tỷ đồng), VNM (44 tỷ đồng), HDB (25 tỷ đồng),...
Tóm lại, sự lan tỏa kém dần của dòng tiền, sự vận động cục bộ ở một vài cổ phiếu trụ riêng lẻ khiến thị trường có sức đẩy tương đối kém. Bên cạnh đó, các thông tin như kết quả kỳ họp tới của Fed, đáo hạn phái sinh hay tái cơ cấu danh mục của quỹ ETFs… đang là yếu tố chính khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng hơn. Do đó, khả năng cao trong những phiên tới, thị trường chứng khoán 16/9 sẽ trải qua các đợt rung lắc để kiểm chứng lại sức bền vốn có sau một quá trình hồi phục và đây được xem là diễn biến cần thiết để chỉ số tăng một cách bền vững.