Thị trường chứng khoán 25/2: Áp lực giảm điểm

25/02/2020 06:59 GMT+7
Trong phiên tiếp theo, áp lực giảm điểm dự báo sẽ vẫn còn rất lớn. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh do đó kỳ vọng sẽ xuất hiện diễn biến hồi phục.

Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), công ty chứng khoán Vndirect (VNDS) và công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) khá bi quan khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 25/2.

Công ty chứng khoán TVSI: Bán tháo trên diện rộng

VN-Index đóng cửa tại 903,34 điểm, giảm 29,75 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá. Trong khi đó, thanh khoản đạt 4.164 tỷ, tăng mạnh 32% và duy trì trên mức bình quân 20 phiên gần nhất.

Thị trường xuất hiện tâm lý hoảng loạn do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thông tin dịch bệnh Corona có dấu hiệu lan rộng sang nhiều nước. Áp lực bán tháo diễn ra ở nhiều cổ phiếu như Ngân hàng, Chứng khoán, BĐS,…

Trong phiên tiếp theo, áp lực giảm điểm dự báo sẽ vẫn còn rất lớn. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh do đó kỳ vọng sẽ xuất hiện diễn biến hồi phục. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng rủi ro hiện tại của thị trường đang có dấu hiệu tăng cao. Vì vậy hoạt động bắt đáy cần được hạn chế. NĐT nên duy trì vị thế quan sát.

Thị trường chứng khoán 25/2: Áp lực giảm điểm - Ảnh 1.

Trong phiên tiếp theo, áp lực giảm điểm dự báo sẽ vẫn còn rất lớn.

Vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm, vùng kháng cự 918 – 925 điểm, vùng kháng cự tiếp theo 940 – 950 điểm.

Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:                   

Nhóm Ngân hàng tiếp tục chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay. Rủi ro ngắn hạn theo đó có sự gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin liên quan tới dịch bệnh Corona. Diễn biến tiêu cực có thể sẽ tiếp diễn trong một vài phiên tới, tuy nhiên chúng tôi chưa đánh giá cao khả năng hình thành một xu hướng giảm giá mạnh ở thời điểm hiện tại.

Nhóm May Mặc và BĐS giảm mạnh. Chúng tôi duy trì đánh giá kém khả quan đối với nhóm này trong ngắn hạn. 

VNDS: Tâm lý thị trường trở nên bi quan

Các chỉ số và hầu hết cổ phiếu chịu sức ép bán rất mạnh trong phiên giao dịch hôm nay tương tự như những gì diễn ra ở phiên giao dịch sau Tết. Những thông tin cuối tuần về tình hình dịch COVID-19 lây lan nhanh ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia…khiến tâm lý giới đầu tư toàn cầu bi quan trở lại. Giá vàng tiếp tục tăng mạnh và đồng USD mạnh lên trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Thị trường giao dịch toàn thời gian trong trạng thái giảm điểm và mặc dù đã có vài thời điểm nỗ lực hồi phục trong phiên nhưng đều thất bại khi đóng cửa ở mức thấp nhất phiên. 

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm điểm mạnh gây sức ép lên các chỉ số cùng giảm sâu. Trong đó, đóng góp lớn nhất đến từ đà giảm của: BID; VIC; VHM; VCB; TCB; CTG: VPB… Số lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm áp đảo và rất nhiều cổ phiếu giảm sâu trong đó có các cổ phiếu vốn hóa lớn như: VGI -10,9%; VCS -9,5%; ACV -8,5%; VHC -7%; CTD -7%; HVN -6,9%; HCM -6,9%; TCB -6,9%; VPB -6,9%…

Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô sôi động hơn mức trung bình nhờ giao dịch thỏa thuận nội khối cổ phiếu VPB và khối này giao dịch cân bằng. Họ tích cực mua vào ở các cổ phiếu: VIC; VCB; VNM; VHM; GAS; VJC…. Ở chiều ngược lại áp lực bán ròng tập trung vào các cổ phiếu: SJS; HPG; HBC; SGN; ROS; PVD…

Tâm lý thị trường trở lên bi quan trở lại sau phiên giảm điểm mạnh ngày hôm nay. Đà giảm mạnh diễn ra trên bình diện thị trường chứng khoán toàn cầu sau những thông tin bùng phát trở lại của COVID-19 ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia… Giá vàng có thêm phiên tăng giá mạnh trên thị trường hàng hóa cho thấy dòng tiền tiếp tục tìm nơi trú ẩn. Mặc dù, áp lực bán ròng của khối ngoại không còn hiện hữu khi khối này giao dịch cân bằng trong phiên hôm nay nhưng tâm lý bi quan từ khối nội khiến thị trường vẫn dễ dàng giảm điểm sâu. Thanh khoản tăng mạnh trở lại khi cung và cầu gặp nhau do mức giá bán thấp tạo động lực để dòng tiền mua vào nhưng mức độ phân hóa và sôi động không còn được duy trì. Chúng tôi nhận thấy áp lực bán trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành và điểm kém tích cực là không có cổ phiếu vốn hóa lớn nào đủ sức đi ngược để trấn an tâm lý như các phiên sau Tết. Phiên giao dịch ngày mai VNIndex sẽ chịu nhiều áp lực khi thử thách ngưỡng hỗ trợ trung hạn 880-900 điểm và hi vọng tạo điểm tựa tâm lý cho thị trường giữ được vùng hỗ trợ hiện tại vẫn đang đặt lên vai nhóm ngành ngân hàng.

BVSC: Giảm tỷ trọng cổ phiếu

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong phiên kế tiếp. Nếu tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ 891-898 điểm, chỉ số sẽ đối mặt với nguy cơ hình thành nhịp sụt giảm mới trong ngắn hạn với đích đến tiếp theo nằm tại vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 865-880 điểm trong thời gian tới. Điểm tiêu cực là việc dịch bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh và chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, thị trường chung và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ bị biến động mạnh về cuối tuần do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market.

Chiến lược đầu tư:

- Giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức 10-20% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.

- Nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thêm các tín hiệu của chỉ số tại các vùng hỗ trợ mạnh chúng tôi đề cập ở trên.

Tiểu My
Cùng chuyên mục