Thị trường chứng khoán 27/2: Thị trường khó khăn hơn

27/02/2020 06:22 GMT+7
Bối cảnh ngắn hạn của thị trường ngày càng trở lên khó khăn hơn với nhiều tin tức bất lợi từ dịch bệnh, đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ và khối ngoại gia tăng bán ròng.

Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Vndirect (VND) và công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) vẫn chưa lạc quan khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 27/2.

Công ty chứng khoán TVSI: Bên bán lấn lướt

VN-Index đóng cửa tại 895,97 điểm, giảm 13,7 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng mạnh về số mã giảm giá. Trong khi đó, thanh khoản đạt 2.603 tỷ, giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp cho thấy tâm lý thận trọng đang có dấu hiệu tăng cao.

Thị trường chịu áp lực bán mạnh ngay thời gian mở cửa và duy trì giao dịch tại vùng giá thấp trong suốt phiên giao dịch. Không có phản ứng hồi phục mạnh khi chỉ số rơi vào vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm thể hiện sự thận trọng của lực cầu bắt đáy.

Diễn biến phiên tiếp theo dự báo vẫn sẽ ghi nhận sự lấn lướt của bên bán. Khả năng phá vỡ vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm cần được lưu ý. Nếu kịch bản này xảy ra, một nhịp giảm với áp lực bán mạnh trên diện rộng có thể sẽ xuất hiện.

Thị trường chứng khoán 27/2: Thị trường khó khăn hơn - Ảnh 1.

Bối cảnh ngắn hạn của thị trường ngày càng trở lên khó khăn hơn

Chúng tôi cho rằng rủi ro ngắn hạn vẫn đang ở mức cao. Vì vậy NĐT nên tiếp tục giữ vị thế quan sát. Vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm, vùng kháng cự 918 – 925 điểm, vùng kháng cự tiếp theo 940 – 950 điểm.

Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:                   

Nhóm Ngân hàng phân hóa với sắc đỏ là màu chủ đạo. Áp lực bán ra không quá mạnh, đồng thời thanh khoản suy giảm phản ánh tâm lý thận trọng của cả bên mua và bán trong phiên hôm nay. Rủi ro ngắn hạn đang có sự gia tăng, mặc dù vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm một xu hướng giảm giá mạnh sẽ khó xuất hiện.

Nhóm Dầu khí giảm về vùng đáy trước đó. Diễn biến ngắn hạn của nhóm này đang khá tiêu cực do chịu ảnh hưởng từ biến động của giá dầu cũng như thị trường chung. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng mặt bằng hiện tại đã phù hợp để tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn.

VND: Tâm lý thị trường chưa quá tiêu cực

Thị trường chịu áp lực giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua với sức ép tâm lý rất lớn đến từ đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ với phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Cùng với đó, áp lực bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại tạo thêm gánh nặng cho thị trường đẩy chỉ số giảm lại vùng hỗ trợ.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hầu hết giảm điểm trở lại gây sức ép cho chỉ số. Đà giảm điểm được dẫn dắt bởi các cổ phiếu như: BID VHM; GAS; VNM; VCB; VIC… Trong khi đó, ở chiều tăng mức tăng nhẹ của: FPT; POW; TCB không tạo được nhiều tác động hỗ trợ về mặt điểm số cũng như tâm lý cho thị trường. Số cổ phiếu giảm ở tương quan áp đảo trở lại với nhiều cổ phiếu giảm giá sâu: FIT -7%; TCH -5,7%; AST -5,6%; BID -3,7%; GAS -3,7%; HVN -3,3%… Số lượng cổ phiếu còn phân hóa tăng giá ở mức thấp và đa số các cổ phiếu có mức tăng tốt là cổ phiếu nhỏ ngoại trừ trường hợp của SHB tăng giá trần.

Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô thấp hơn trung bình và khối này bán ròng mạnh trở lại với quy mô hơn 220 tỷ trên sàn HOSE. Áp lực bán của khối này chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu: VHM; VCB; HPG; VHM; MSN; VIC….Ở chiều tích cực họ mua ròng nhẹ ở CTG và không đáng kể ở một số cổ phiếu khác.

Bối cảnh ngắn hạn của thị trường ngày càng trở lên khó khăn hơn với nhiều tin tức bất lợi từ dịch bệnh, đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ và khối ngoại gia tăng bán ròng. Ở chiều tích cực mức giảm điểm hôm qua không quá mạnh và thanh khoản sụt giảm cho thấy tâm lý thị trường vẫn chưa quá tiêu cực khi hỗ trợ vẫn chưa bị xuyên phá. Ở góc độ PTKT chúng tôi đánh giá tương quan giữa khả năng đi lên và để vỡ hỗ trợ của thị trường ở thời điểm này gần như tương đương nhau nhưng xác suất đang nghiêng nhiều hơn về phía tiêu cực. Ngưỡng hỗ trợ đang trở lên quá mong manh khi thị trường gánh chịu quá nhiều bất lợi tại cùng một thời điểm.

BVSC: Có thể tăng điểm trong tuần tới

VN-Index đang tiếp cận vùng hỗ trợ 891-895 điểm. Chỉ số cần cho phản ứng hồi phục từ vùng điểm này, đồng thời vượt lên trở lại ngưỡng 910 điểm để có thể mở ra cơ hội hồi phục tăng điểm trở lại trong tuần tới.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng cảnh báo rằng, nếu tiếp tục xuyên thủng vùng hỗ trợ này, chỉ số sẽ đối mặt với nguy cơ hình thành nhịp sụt giảm mới trong ngắn hạn với đích đến tiếp theo nằm tại vùng hỗ trợ mạnh trung hạn 860-870 điểm trong thời gian tới.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là việc dịch bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh và chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Hàn Quốc có thể sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại cũng đang khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên lo ngại và có thể tạo thêm lực cản đối với nỗ lực hồi phục của thị trường.

Chiến lược đầu tư:

- Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng.

- Nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thêm các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của thị trường.

Tiểu My
Cùng chuyên mục