Thị trường chứng khoán 27/4: Tiếp tục đứng ngoài thị trường
Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán MBS và Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) không đồng nhất quan điểm khi dự báo về thị trường chứng khoán 27/4.
TVSI: Đà tăng khó kéo dài
Cuối tuần trước, VN-Index đóng cửa tại 773,91 điểm, tăng 4,99 điểm. Thị trường mở cửa tăng mạnh nhưng dần thu hẹp về cuối phiên trước sự gia tăng của áp lực bán chốt lời.
Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá với sắc xanh tập trung chủ yếu tại nhóm Thép, Dầu khí, Bia, …Trong khi đó, thanh khoản giảm phiên thứ 2 liên tiếp xuống còn 2.922 tỷ, thấp hơn mức bình quân 20 phiên gần nhất tiếp tục cho thấy sự thận trọng của dòng tiền ở thời điểm hiện tại.
Trong những phiên tới, đà tăng của chỉ số dự báo khó có thể kéo dài. Kịch bản xuất hiện nhịp điều chỉnh vẫn đang được đánh giá cao và có thể chỉ số sẽ giảm về vùng giá 700 – 730 điểm.
Chúng tôi cho rằng NĐT vẫn nên tiếp tục đứng ngoài và không nên vội mua đuổi ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất 700 – 730 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo 640 – 670 điểm. Vùng kháng cự 780 – 810 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm Ngân hàng không giữ được diễn biến tăng giá, trong đó nhiều cổ phiếu quay đầu giảm điểm về cuối phiên cho thấy áp lực bán chốt lời vẫn ở mức cao. Duy trì đánh giá đi ngang đối với nhóm này trong ngắn hạn.
Nhóm Dầu khí hồi phục. Chúng tôi cho rằng rủi ro giảm giá ngắn hạn của nhóm này vẫn ở mức cao. Vì vậy NĐT chưa vội mua vào đối với vị thế ngắn hạn.
Nhóm Thép tiếp tục có 1 phiên giao dịch tích cực. Tuy nhiên đà tăng dự báo khó kéo dài trong bối cảnh thị trường chung nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh.
BVSC: Phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu
Tuần này, Vn-Index dự báo sẽ dao động với các phiên tăng giảm đan xen trong biên độ 760-796 điểm. Thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong thời gian tới. Thêm vào đó, chỉ số có thể có biến động mạnh, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 trong tuần tới do các quỹ benchmark theo rổ VN30 sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục cho quý II.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại, cùng với đó là biến động tiêu cực của giá dầu và các chỉ số chứng khoán thế giới. Ngoài ra, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu.
- Sau khi đã thực hiện bán chốt lời tại vùng 790-820 điểm, nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài quan sát. Đối với các nhà đầu tư vẫn còn các vị thế ngắn hạn, có thể tận dụng các nhịp bulltrap của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để canh bán giảm tỷ trọng.
MBS: Có dấu hiệu tích cực
Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán trong nước ngược dòng thành công, VN-Index khép lại tuần với chuỗi tăng điểm lên phiên thứ 3 liên tiếp nhờ lực kéo của nhóm bluechips. Đặc biệt cổ phiếu VNM tăng kịch trần là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 2,75 điểm lên 776,66 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 7,56 điểm lên 725,05 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 178 mã tăng/158 mã giảm, ở rổ VN30 có 12 mã tăng, 11 mã giảm và 7 mã giữ tham chiếu.
Với 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường đã kết thúc tuần với dấu hiệu tích cực khi hình thành vùng đáy sau cao hơn đáy trước. Nhà đầu tư chấp nhận vào hàng kể cả khi lượng hàng T+ còn chưa được giải phóng cho thấy kỳ vọng đã lạc quan hơn và tâm lý tích cực hiện tại là cơ sở để thị trường còn tiếp tục tăng tiếp.
Tuy nhiên, để an toàn thì nhà đầu tư cũng nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để. Trong kịch bản tích cực, nhịp tăng ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp diễn với mục tiêu hướng tới vùng 796,3 điểm đến 803,63 điểm, tuy vậy vẫn sẽ có những nhịp rung lắc trong phiên.