Thị trường chứng khoán cần thêm nhiều điều kiện để thu hút được dòng tiền nội
Trong tháng 7 vừa qua, sức hút của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư có sự suy giảm rõ nét. Thể hiện ở số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư giảm hơn 22,5% trong tháng 7. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tại ngày 31.7, trên hệ thống của VSD có hơn 2,53 triệu tài khoản giao dịch trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, so với tháng 6, số lượng tài khoản trong nước mở mới ở mức 27.169 tài khoản, giảm hơn 22,5% so với tháng 6.2020. Trong khi đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 33.600 tài khoản hồi cuối tháng 7, tăng 11% so với tháng trước.
Có một mối liên hệ rõ nét giữa số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường và diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Cụ thể, giai đoạn tháng 3 đến giữa tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng mạnh, tương đồng với giai đoạn thị trường diễn biến sôi động và hồi phục từ vùng đáy của làn sóng COVID-19 lần một. Tương ứng với đó, khi thị trường bước vào nhịp điều chỉnh kể từ nửa sau tháng 6 đến nay, lượng nhà đầu tư mở mới cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Theo đánh giá của ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), điều này cho thấy để thu hút thêm nhà đầu tư mới tham gia thị trường, điều kiện tiên quyết chúng ta cần là 1 thị trường tăng trưởng bền vững và lành mạnh, thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ từ cả Chính phủ và các thành viên thị trường. Trong đó, ông Đức Anh cho rằng các giải pháp mang tính ngắn và trung hạn được áp dụng như đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công, các chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước, đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường, tích cực nghiên cứu đưa ra các sản phẩm, công cụ đầu tư mới. “Về dài hạn, chúng ta cần các giải pháp tập trung vào việc xây dựng một thị trường chứng khoán tiên tiến, hiệu quả, trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và người dân có niềm tin gửi tiền như một kênh tiết kiệm”, ông Đức Anh chia sẻ.
Đầu tư vàng và chứng khoán
Vàng gần đây trở thành kênh đầu tư nóng nhất khi tính từ đầu năm, giá vàng SJC đã tăng tới hơn 25 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 36%. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng liên tiếp vượt các đỉnh lịch sử, mức tăng cũng lên tới hơn 30% so với hồi đầu năm, sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Mới đây, Goldman Sachs dự báo vàng sẽ tăng lên mức 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới. Trước đó, trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III, các nhà phân tích tại Citigroup cũng đưa ra nhận định giá vàng đang hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thực ở mức thấp, dòng vốn kỷ lục chảy vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và nhu cầu vàng lên cao, đẩy giá vàng lên cao nhất mọi thời đại trong 6-9 tháng tới.
Nói về tác động của kênh đầu tư vàng đến thị trường chứng khoán, ông Đức Anh nhận định rằng quy mô kênh đầu tư vàng hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nên việc so sánh với kênh đầu tư chứng khoán là tương đối khó khăn. Mặc dù ở thời điểm hiện tại kênh đầu tư vàng có thể có ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán bởi diễn biến trồi sụt giá vàng ở thời điểm hiện tại.
Tuy vậy, theo ông Đức Anh, đối với 1 nền kinh tế tăng trưởng cao như Việt Nam, các kênh đầu tư mang lại lợi suất cao như cổ phiếu (thông qua chi trả cổ tức), và lợi suất cố định như trái phiếu vẫn thường được đánh giá cao hơn kênh đầu tư không lợi suất như vàng. Thêm vào đó, trong bối cảnh lạm phát duy trì trong tầm kiểm soát, chính sách chống vàng hóa của Chính phủ vẫn đang phát huy hiệu quả.
Do vậy, dù ở hiện tại hay về lâu dài, ông Đức Anh không cho rằng kênh đầu tư vàng sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến kênh đầu tư chứng khoán.