Thị trường chứng khoán giảm mạnh, mua cổ phiếu ở vùng giá này có đắt hay không?

28/01/2021 13:45 GMT+7
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Dragon Capital cho rằng, "nhịp điều chỉnh" hiện nay của thị trường là tốt để mọi người hiểu rằng thị trường chứng khoán là nơi đầu tư bền vững, chứ không phải vào để kỳ vọng 50-100% ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán đã có phiên "rơi" thứ 3 liên tiếp, xuyên thủng mốc 1.100 điểm và hiện đang ở mức 1.023 điểm. Áp lực call margin đè nặng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng với nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tại Việt Nam đã khiến nhà đầu tư nháo nhào bán cổ phiếu.

Trong buổi hội thảo online sáng ngày 27/01/2021 do Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng: Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh mẽ từ mức đáy tháng 3/2020 khoảng 665 lên 900 điểm. Tại mức 930 điểm Vn-Index tăng trong nghi ngờ lên các mốc 1.000 điểm, 1.100 điểm và hơn thế thì việc Vn- Index chỉnh giảm từ mức gần 1.200 về 1.100, khoảng 100 điểm, thậm chí thêm 50 điểm nữa cũng rất bình thường.

"Nhưng chúng ta không nên vì vậy mà cho rằng 'vậy là xong, đỉnh rồi. Như vậy là không đúng', ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Dragon Capital chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra rằng, thị trường chứng khoán đang giảm mạnh và liệu mua cổ phiếu ở vùng giá này có đắt hay không?

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, nhà đầu tư có thể nhìn theo góc độ "kinh tế vĩ mô có gì thay đổi lớn hay không". Nhìn lại trong quá khứ ở các giai đoạn thị trường giảm mạnh, đều có những lý do nhất định, như năm 2007-2008 là do lạm phát gần 30%, năm 2011 có vấn đề lãi suất quá cao trong 2011 và bong bóng bất động sản bị bể; năm 2018 lượng rút ròng nước ngoài rất mạnh và thị trường chứng khoán thế giới có vấn đề.

"Hiện nay, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp chỉnh này tôi cho là tốt để mọi người hiểu rằng thị trường chứng khoán là nơi đầu tư bền vững, chứ không phải vào để kỳ vọng 50-100% ngắn hạn. Còn nếu đầu tư bài bản sẽ có hiệu suất đầu tư tốt hơn hẳn so với gửi tiết kiệm, thậm chí còn tốt hơn đầu tư kênh bất động sản", Giám đốc Nghiên cứu của Dargon Capital nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh thêm, hãy xem diễn biến thị trường chứng khoán như nhịp tim, có lên có xuống. Nếu tham gia thị trường chỉ kỳ vọng thị trường tăng thì nhà đầu tư chưa sẵn sàng để đầu tư.

Tháng 3/2007, thị trường đạt đỉnh 1.170 điểm, hệ số giá/thu nhập (P/E) 45 lần, tức đầu tư giai đoạn này mất hàng chục năm mới huề vốn. Giai đoạn 2018 chỉ số vượt 1.200 điểm, hệ số P/E là 23 lần. Trong khi 2020, P/E gần 18 lần. Đặc biệt giai đoạn năm 2017, thị trường tăng mạnh gần 50% vì lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tốt.

"Quan trọng trong đầu tư không phải đoán đỉnh đáy, mà là hiểu chu kỳ dài, trong chu kỳ dài sáng, mà không rõ ngắn hạn như thế nào thì nên đầu tư tốt nhất là đầu tư bình quân. Ví dụ, nếu  đầu tư ngay đỉnh thị trường lúc tháng 3/2007, và mỗi tháng bỏ vào đầu tư 10 triệu đồng/tháng, thì 14 năm sau, các bạn có 4 tỷ đồng, tài sản tăng hơn 3 lần, hiệu suất đầu tư lên đến 11,5% cao hơn tiền gửi ngân hàng. Thậm chí mua ngay đỉnh và thị trường giảm 80%, nhưng nếu giữ dài hạn thì vẫn có hiệu suất đầu tư tốt hơn nhiều", ông Lê Anh Tuấn bật mí.

Theo ông Lê Anh Tuấn, thị trường chứng khoán Việt trong thời gian tới vẫn còn hấp dẫn. Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 dự đoán khoảng 26%, cao nhất trong 3-4 năm qua, gần bằng năm 2017. Dù P/E thị trường đang ở 18 lần nhưng thị trường vẫn còn rất tốt để tham gia đầu tư.

Động lực ngắn hạn đến từ dòng tiền giá rẻ sẽ được đổ vào chứng khoán, trong đó có nhiều mã chứng khoán chi trả cổ tức cho cổ đông cao hơn lãi suất ngân hàng. Lãi suất ở vùng 18-19% ở giai đoạn 2011 đã giảm liên tục tới trước 2021. Nhưng có thể thấy mức giảm chưa mạnh trước thời điểm quý 2/2020. Từ quý 3,4/2020 lãi suất giảm mạnh, dẫn tới lãi suất tiền gửi giảm mạnh theo, xuống vùng 3-5% với kỳ hạn gửi dưới 6 tháng.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm, theo dữ liệu, trong lượng tiền gửi ngân hàng, 320 tỷ USD, chiếm 80% là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, không ngạc nhiên, khi số lượng tài khoản mở mới tham gia vào chứng khoán tăng vọt trong quý 3-4 tăng 108% so với năm trước đó.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục