Thị trường chứng khoán Việt trong tháng 6, điều gì đang chờ đón?

01/06/2020 17:41 GMT+7
Dấu hiệu phục hồi kinh tế, thông tin tốt về khống chế đại dịch, cùng với các gói hỗ trợ kinh tế mới của nhiều quốc gia đã “đánh tan” tâm lý bất ổn của nhà đầu tư. Bất chấp Hồng Kông đang xảy ra căng thẳng địa chính trị và rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang hiện hữu…

Bộ phận phân tích của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), đánh giá: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang giữ được đà tích lũy. Nhà đầu tư kỳ vọng vào các dấu hiệu phục hồi kinh tế và nỗ lực hỗ trợ thị trường từ các chính sách của Chính phủ. Trong khi đó, phía nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực chủ động mua vào các cổ phiếu trụ lớn.

"Tất cả những thông tin này sẽ góp phần hỗ trợ đà khôi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam sau đại dịch Covid-19", đại diện HSC dự báo.

Điều gì chờ đón thị trường chứng khoán Việt trong tháng 6? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chờ cơ hội phục hồi lại trong tháng 6 (Ảnh: IT)

Rủi ro nhưng chưa đáng… lo ngại

Phân tích những diễn tiến mới nhất về tình hình tài chính toàn cầu, HSC cho rằng, có khá nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro với giới đầu tư nhưng cũng chưa hẳn là đáng lo ngại.

Chẳng hạn, với việc Trung Quốc phê chuẩn Dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Ngay lập tức, các cuộc biểu tình lớn đã liên tiếp xảy ra, khiến thị trường tài chính Hồng Kông và Trung Quốc chao đảo. Đồng thời,  dấy lên lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang. Ngay lập tức Mỹ tuyên bố sẽ rút lại đặc quyền dành cho Hồng Kông và dọa sẽ ban bố lệnh trừng phạt các quan chức của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.

"Tuy nhiên, đây được coi là một sự đáp trả 'nhẹ nhàng' từ Mỹ và không gây rủi ro lớn lên quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ - Trung Quốc và thị trường tài chính toàn cầu", HSC đánh giá.

Một rủi ro khác, theo HSC là chỉ số Dollar index liên tục giảm đã hỗ trợ nhiều cho sự tăng trưởng thị trường chứng khoán Mỹ với kỳ vọng lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế sau Covid-19. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ liên tiếp mất giá khi căng thẳng Mỹ - Trung có chiều hướng leo thang, nhưng đây chưa phải là mối lo ngại lớn.

Điều gì chờ đón thị trường chứng khoán Việt trong tháng 6? - Ảnh 2.

Các đối tác xuất khẩu lớn trong tháng 5 /2020 của Việt Nam (Nguồn: HSC)

Bên cạnh những yếu tố trên, việc các quốc gia tung ra gói hỗ trợ mới, được kỳ vọng sẽ giúp các nên kinh tế mau chóng phục hồi sau đại dịch. Tại châu Âu, NHTW châu Âu sẽ tung gói hỗ trợ kinh tế trị giá 750 tỷ Euro hỗ trợ các quốc gia trong khối, đưa tổng giá trị gói hỗ trợ từ đầu mùa dịch đến nay lên tới gần 6% GDP toàn khối.

Trung Quốc cũng dự kiến nâng gói hỗ trợ tài khóa lên tới 11% GDP của nước này để hỗ trợ nền kinh tế.

"Đang có những thông tin tích cực về sự hồi phục của nền kinh tế thế giới từ đầu tháng 5. Chẳng hạn, chỉ số PMI của Trung Quốc trong tháng 5 ở mức 50,6 điểm; hoặc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng gần 20% nhưng số lượng người nộp đơn thất nghiệp lại giảm rõ rệt, chỉ ở mức 2,1 triệu người trong tuần qua, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 5 cũng tăng nhẹ 0,9 điểm lên 86,6 điểm, sau khi giảm tốc mạnh ở tháng 3 và tháng 4 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh", bộ phận phân tích của Chứng khoán HSC, dẫn chứng.

Ở khu vực châu Á, NHTW Hàn Quốc mới đây cũng quyết định giảm thêm 0,25% lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục 0,5% trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này bị thiệt hại nặng bởi Covid-19. Trong khi đó, với Nhật Bản, nước này cũng dự kiến soạn thảo gói kích thích kinh tế mới trị giá gần 1.100 tỷ USD nhằm hỗ trợ y tế, doanh nghiệp, và sinh viên chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19.

Những dấu hiệu tích cực về phục hồi kinh tế của Việt Nam

Tại Việt Nam, sau khi cơ bản khống chế được dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam liên tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế và định hướng phát triển kinh tế hậu đại dịch, bao gồm: Ban hành Nghị quyết 84 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giải ngân đầu tư công và đảm bảo trật tự xã hội; tập trung vào việc giảm thuế, phí để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; đề ra các giải pháp kích thích tiêu dùng…

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục mạnh. 5 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận xuất siêu đạt 1,9 tỷ USD, với xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước. Trong đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

"Tín hiệu phục hồi kinh tế sau dịch năm ở chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ghi nhận mức tăng trở lại 11,2% so với tháng trước đó. Đáng chú ý là tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 5 tháng đầu năm tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/5 chỉ đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; nguồn vốn FDI thực hiện là 6,7 tỷ USD", đại diện HSC, dẫn chứng.

Dù vậy, HSC cũng dự báo, lãi suất VND đang ở mức thấp kỷ lục trong 3 năm trở lại đây với lãi suất qua đêm gần về mức 0,28% và tỷ giá VND có dấu hiệu tăng trở lại trong bối cảnh chỉ số Dollar index hạ nhiệt đáng kể…

Quốc Hải
Cùng chuyên mục