Thị trường tiền điện tử châu Á vẫn đầy tiềm năng bất chấp động thái mạnh tay từ Trung Quốc
Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC đã yêu cầu các tổ chức tài chính lớn ngừng giao dịch tiền điện tử, một động thái làm giảm sâu thêm giá bitcoin và một loại đồng tiền kỹ thuật số khác, khiến thị trường tiền điện tử biến động mạnh.
Tại Anh, cơ quan quản lý tài chính FCA cũng yêu cầu sàn giao dịch tiền điện tử Binance ngừng mọi hoạt động pháp lý, bao gồm cả công ty mẹ Binance Group và công ty con Binance Markets Limited. Binance hiện là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch.
Ở Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và các quan chức khác từ lâu đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tiền điện tử được sử dụng trong các giao dịch bất hợp pháp. “Tôi không nghĩ rằng bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch” - bà Janet Yellen trả lời tờ CNBC tại một hội nghị của New York Times. “Ở mức độ mà nó đang được sử dụng hiện nay, tôi cho rằng việc sử dụng bitcoin (như một tài sản thanh toán tài chính) là bất hợp pháp. Vô cùng kém hiệu quả khi thực hiện các giao dịch (bằng bitcoin), năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch như vậy là rất lớn”.
Bên cạnh tính hợp pháp, bà Janet còn bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định của đồng bitcoin, khi giá bitcoin liên tục lập đỉnh rồi lại rớt sâu xuống đáy trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ khi nó xuất hiện đến nay. “Đó là một tài sản có tính đầu cơ cao… Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác về sự biến động quá lớn của nó. Tôi quan ngại sâu sắc về những tổn thất tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể phải chịu”.
Mặc dù Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia châu Á đi đầu trong việc kìm hãm các giao dịch tiền điện tử, một số chuyên gia nhận định rằng có hai khu vực pháp lý châu Á khá thân thiện với tiền kỹ thuật số và cho đến nay vẫn chưa thay đổi lập trường của họ. Đó là Nhật Bản và Singapore.
Các nhà phân tích tại Arca, một hãng tư vấn đầu tư tài sản kỹ thuật sốchỉ ra rằng cho đến nay, Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản chưa có động thái nào thực tế nhằm thặt chặt quy định với tài sản kỹ thuật số. Còn Singapore, dù các quan chức Ngân hàng Trung ương hồi tháng 4 đã lên tiếng cảnh báo tiền điện tử có tính biến động mạnh và không phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân, nhưng cũng không có động thái pháp lý cụ thể nào được đưa ra.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Nhật Bản thay đổi quan điểm của mình. Nhìn chung, cho đến nay, Nhật Bản tương đối thân thiện với tiền điện tử. Họ đã mất ngôi vị kinh đô tài chính châu Á và rõ ràng họ muốn lấy lại vị thế đó” - nhận định của ông Adam Farthing, giám đốc rủi ro của B2C2 Nhật Bản.
Scott Stornetta, một trong những nhà phát minh của công nghệ blockchain cũng cho rằng một số quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Singapore vẫn đang cố gắng thúc đẩy tiền kỹ thuật số. Tại Trung Quốc, mặc dù cấm hàng loạt mỏ khai thác tiền điện tử, nước này cũng đang nỗ lực tung ra đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương quản lý.
John Kirch, phó chủ tịch cấp cao của Uppsala Security, công ty điều tra tội phạm mạng liên quan đến tiền điện tử nhận định: “Không dễ để loại bỏ chúng. Nếu không có tiền kỹ thuật số, bạn sẽ làm gì để có lợi thế cạnh tranh hiệu quả trong tương lai?”.
Tuân thủ quy định
Sau lệnh cấm của Vương quốc Anh, sàn Binance cho biết điều này không ảnh hưởng đến chiến lược toàn cầu của nó vì công ty con Binance Markets - được mua lại vào năm 2020 - vẫn chưa triển khai hoạt động tại Anh. Như vậy, động thái của FCA sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ trên trang giao dịch Binance.com.
Tuy nhiên, Binance cũng khẳng định sẽ “hợp tác với các cơ quan quản lý toàn cầu và hoàn toàn coi trọng nghĩa vụ tuân thủ luật pháp”. Một phát ngôn viên của Binance tuyên bố nền tảng của công ty đã hỗ trợ một số cuộc điều tra tội phạm mạng, chặn người dùng từ các khu vực bị hạn chế thông qua các công cụ kiểm soát cũng như chống rửa tiền…
Việc tuân thủ pháp luật đòi hỏi các công ty tiền điện tử phải bỏ ra một chi phí lớn. Chẳng hạn, Babel Finance, một công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) gần đây cho biết họ sẽ đầu tư 40 triệu - tức gần như toàn bộ số tiền huy động được tử vòng gọi vốn gần đây - cho hoạt động kiểm soát nội bộ và chuyên môn pháp lý.
“Các công ty tiền điện tử nếu nhận ra tầm quan trọng và vai trò của việc tuân thủ pháp luật quốc gia, thậm chí đáp ứng quy định pháp lý khu vực sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong dài hạn” - ông Flex Yang, Giám đốc điều hành của Babel Finance cho biết.