Ở quốc gia ưa chuộng vàng như Ấn Độ, NĐT vẫn đổ hàng tỷ USD vào tiền điện tử
Trong cơn sốt của thị trường tiền kỹ thuật số, nhiều nhà đầu tư đã mệnh danh các loại tiền điện tử là “vàng kỹ thuật số”. Và ở một quốc gia mà người dân ưa chuộng vàng như Ấn Độ, xu hướng đầu tư “vàng kỹ thuật số” cũng đang nóng lên.
Theo Chainalysis, các khoản đầu tư vào tiền điện tử tại Ấn Độ đã tăng từ 200 triệu USD lên 40 tỷ USD trong năm qua bất chấp những cảnh báo của Ngân hàng Trung ương nước này về rủi ro từ tiền điện tử. Nhìn chung, nếu so sánh về giá trị, khối lượng giao dịch tiền kỹ thuật số ở Ấn Độ vẫn là quá nhỏ so với thị trường vàng. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng là rõ rệt.
Doanh nhân 32 tuổi Richi Sood là một trong những người đã chuyển từ đầu tư vàng sang tiền điện tử. Kể từ tháng 12 năm ngoái, cô này đã đưa hơn 1 triệu rupee (13.400 USD) đổ vào các đồng tiền điện tử phổ biến là bitcoin, ether và cả dogecoin. May mắn mỉm cười khi Richi kiếm được một phần lợi nhuận vào thời điểm giá bitcoin vượt 50.000 USD vào tháng 2. Sau đó, Richi tiếp tục dùng số tiền này để mua lại bitcoin trong đợt sụt giảm của nó gần đây. Số tiền lời cho phép Richi Sood đầu tư vào việc mở rộng công ty khởi nghiệp giáo dục Study Mate India ra nước ngoài.
Trò chuyện với Bloomberg, Richi Sood khẳng định: “Tôi muốn đầu tư vào tiền điện tử hơn là vàng. Tiền điện tử minh bạch hơn các loại tài sản khác và giúp thu về lợi nhuận lớn trong một thời gian ngắn”.
Nữ doanh nhân 32 tuổi chỉ là một trong rất nhiều nhà đầu tư cá nhân của Ấn Độ (ước tính hiện tại là 15 triệu người) đang tham gia vào các giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số. Con số này đang trên đà bắt kịp 23 triệu nhà giao dịch tiền điện tử ở Mỹ.
Người đồng sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên của Ấn Độ ZebPay, ông Sandeep Goenka cho biết sự tăng trưởng ngoạn mục ở thị trường Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhóm nhà đầu tư trong độ tuổi 18-35.
Dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho thấy những người Ấn Độ có độ tuổi dưới 34 có xu hướng ít muốn nắm giữ vàng hơn là nhóm lớn tuổi hơn. Hiện người dân Ấn Độ đang nắm giữ khoảng 25.000 tấn vàng, một con số khổng lồ.
“Những nhà đầu tư trẻ nhận thấy việc đầu tư tiền điện tử đang trở nên dễ dàng hơn là vàng vì quy trình đầu tư rất đơn giản. Bạn chỉ cần đầu tư trực tuyến, không cần xác minh, không giống như vàng”, theo ông Sandeep.
Một trong những nguyên nhân khác khiến số giao dịch tiền điện tử ở Ấn Độ tăng vọt là do năm ngoái, tòa án Tối cao nước này đã hủy bỏ quy định cấm các tổ chức ngân hàng giao dịch tiền điện tử. Quy định được ban hành vào năm 2018.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Ấn Độ có xu hướng chấp nhận hay ủng hộ tiền điện tử. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ từng tuyên bố quan ngại sâu sắc về tiền điện tử. Vài tháng trước, chính quyền New Delhi đã đề xuất một dự luật cấm giao dịch tiền kỹ thuật số.
Không riêng Ấn Độ, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh giác với các đồng tiền ảo từ lâu. Hôm 20/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed Jerome Powell đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tháng 2 năm nay cũng từng cảnh báo về rủi ro biến động giá của bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã triệu tập một số tổ chức tài chính và nhà băng lớn, chẳng hạn Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group trực thuộc Alibaba điều hành), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để thảo luận về việc không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Chưa kể, việc hàng loạt mỏ đào bitcoin bị đóng cửa ở Trung Quốc cũng gây biến động lớn cho thị trường tiền điện tử trong vài tuần qua.