Thoát nghèo nhờ học trồng nấm qua mạng

29/03/2020 11:08 GMT+7
Thay vì đến các trung tâm hay các trại nấm để học nghề, chị Dơn lại thành công bằng việc tự học trên mạng internet

Chị Trần Thị Dơn (Thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai) đang là điển hình kinh tế tại địa phương từ trại nấm của gia đình mình, với nguồn thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong trại nấm của gia đình, chị Trần Thị Dơn vừa kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm của nấm linh chi vừa chia sẻ: “Ngày trước nơi đây là đất trồng tiêu. Khi tiêu chết, gia tôi cũng đã chuyển qua thử nghiệm thực hiện nhiều mô hình kinh tế  khác như nuôi dế, nuôi tắc tè, nuôi chim bồ câu, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên thu nhập không cao. Xem trên tivi thấy người ta trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn nguyên liệu trồng nấm đơn giản dễ tìm chỉ là rơm, cùi bắp, cây cao su, những vật liệu này lại sẵn có tại địa phương. Chính vì vậy, năm 2013 vợ chồng tôi đã quyết đinh chuyển sang trồng nấm với diện tích 5 sào”.

Thoát nghèo nhờ học trồng nấm qua mạng - Ảnh 1.

Chị Dơn trong trang trại trồng nấm.

Mất 2 năm kiên trì tìm hiểu cách trồng nấm từ các trang mạng, đặc biệt là cách trông nấm tự nhiên từ mùn cưa, từ thân gỗ và trải qua không ít thất bại chị Dơn mới gặt hái được thành công. Thời điểm đó, chị vô tình đọc được bài báo trên mạng có thấy người ta trồng nấm dược liệu. Lúc đó tôi chưa biết nấm linh chi là gì. Sau đó chị mở trại ra để trồng thử nấm ăn (nấm bào ngư) và nghiên cứu trồng nấm linh chi. 

Trồng nấm không tốn nhiều diện tích bởi các bao nấm được xếp chồng lên nhau và nấm chỉ phát triển tại vị trí cổ bịch. Mỗi ngày chỉ cần tưới giữ ẩm -3 lần tùy theo độ ẩm không khí và duy trì ánh sáng trong trại nấm. Đặc biệt, với nấm linh chi, trước khi thu hái khoảng 1 tháng phải ngưng phun tưới để giữ nguyên bào tử trên nấm, đảm bảo dược tính cao nhất khi đến tay người dùng. Kể cả bán bịch phôi và bán nấm linh chi thương phẩm, sau khi khấu trừ hết các chi phí, mỗi năm anh Hùng thu vào tầm 200 triệu đồng trên diện tích khoảng 400m2.

Khởi nghiệp  từ 20 triệu đồng, vợ chồng chị đã mua 10.000 bịch phôi giống Bào Ngư về trồng. Chị Dơn cho biết: “Trồng nấm không khó nhưng đòi hỏi người trồng nấm phải nắm vững kĩ thuật, lúc đầu mới trồng gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn, chưa biết cách sản suất phôi nấm, vợ chồng tôi phải nhập hoàn toàn phôi nấm giống từ nơi khác về nên một số phôi nấm đã bị hỏng, năm đầu gia đình tôi chỉ thu lời được 70 triệu động”, chị Dơn chia sẻ.

Chị Dơn luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, nấm của chị luôn được mọi người ưa chuộng chọn mua.

Thoát nghèo nhờ học trồng nấm qua mạng - Ảnh 2.

Chị Dơn giới thiệu sản phẩm của mình tại một hội chợ

Chị Dơn cho biết mỗi loại nấm đều có kĩ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kĩ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Khánh Linh-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Blứ cho hay: “Gia đình chị Dơn là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Ia Blứ triển khai mô hình trồng nấm với số lượng lớn, từ chỉ sản xuất nấm Bào Ngư đến nay gia đình chị đã mở rộng trồng thêm nấm Linh Chi, nấm Mèo (Mộc Nhĩ) và nấm Rơm. Hiện tại gia đình chị trồng 50.000 bịch nấm Bào Ngư, 30.000 bịch nấm Linh Chi, 30.000 bịch nấm Mèo (Mộc Nhĩ) và 50 tấn nguyên liệu để làm nấm Rơm. Mô hình trồng nấm của chị Dơn được Hội đồng ban giáo khảo “Ngày phụ nữ khởi nghiệp huyện Chư Pưh”, thẩm định, đánh giá là mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao!”

Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Dơn còn tự sản suất phôi nấm giống để bán cho các hộ trồng nấm khác. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  Không chỉ vậy, mô hình trồng nấm này đã giúp giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho 7-10 lao động tại địa phương.

Bảo Anh
Cùng chuyên mục