"Thủ phủ tôm hùm" Phú Yên trắng tay vì lũ, dân khóc nghẹn lo bị siết nhà, siết tài sản

13/11/2020 18:50 GMT+7
Trong vòng 15 ngày, kể từ khi liên tiếp các trận bão đổ bộ, tại “thủ phủ tôm hùm” thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nhiều người nuôi tôm lâm cảnh trắng tay, bởi tôm hùm chết hàng loạt. Trong khi đó, tại Bình Định thiệt hại do bão lũ ước tính cũng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Bình Định thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng do bão lũ

Trước khi bão số 13 đổ bộ, hiện tượng sạt lở đất đá nhiều nơi ở huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đang là nỗi lo thường trực của người dân nơi đây.

Theo ông Bùi Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cách đây khoảng 6 ngày, do ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, bất ngờ xuất hiện lũ ống, lũ quét khiến nguyên tuyến đường lên xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở, tuyến đường lên xã Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở.

Đây là sự cố chưa từng xảy ra tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, gây hoang mang cho người dân.

"Các tuyến đường đều bị tắc do sạt lở đất đá, đã được khắc phục đường để đảm bảo giao thông cho người dân đi lại. Rất may, người dân được chúng tôi di dời kịp thời nên không có con số thương vong", ông Thành nói.

Bão lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề… ở Bình Định, Phú Yên - Ảnh 1.

Sạt lở núi gây chia cắt ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Đinh.

Ông Trương Tứ - Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm khoảng 50m mái ta luy dương ở khu tái định cư hồ Đồng Mít thuộc thôn 1 (xã An Dũng) cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Đất đá đổ xuống vùi lấp một số chuồng trại chăn nuôi của người dân nơi đây, uy hiếp tính mạng của nhiều hộ dân.

Trước tình huống cấp bách, chính quyền huyện An Lão đã vận động, di dời khẩn cấp 5 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Hiện lực lượng công an, bộ đội, dân quân địa phương đã hỗ trợ người dân di chuyển toàn bộ tài sản, vật dụng gia đình đến cất giữ tại nhà người thân.

Ông Trương Tứ nhận định, tình trạng sạt lở mái ta luy dương ở khu tái định cư hồ Đồng Mít thuộc thôn 1 vẫn âm ỉ diễn ra. Vì vậy, UBND huyện An Lão chỉ đạo xã An Dũng tiếp tục theo dõi để sớm có phương án phòng tránh, không cho người dân đi lại trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bão lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề… ở Bình Định, Phú Yên - Ảnh 2.

Tỉnh Bình Định liên tục bị bão lũ tấn công, đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, chưa đầy 15 ngày, địa phương đã bị ảnh hưởng bởi 3 đợt mưa bão khiến 23 người mất tích trên biển, 19 người trên đất liền bị thương, gây thiệt hại ước tính khoảng 1.043 tỷ đồng.

Trong đó, cơn bão số 9 (ngày 28/10) gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng, 2 cơn bão số 10 (ngày 6/11) và bão số 12 (ngày 10/11) thiệt hại gần 543 tỷ đồng.

Để tiếp tục ứng phó bão số 13, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai các biện pháp nhanh chóng, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Thủ phủ tôm hùm Phú Yên… "trắng tay"

Tại "thủ phủ tôm hùm" thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nhiều người nuôi tôm vẫn đang tất bật, cố gắng bán những gì còn sót lại sau trận lũ với mong muốn vớt vát chút ít vốn liếng đổ xuống lồng bè, trước khi cơn bão đổ bộ.

Sau đợt lũ vào đêm 10/11, tôm hùm trên các lồng bè ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị sốc nước lũ, chết hàng loạt khiến người nuôi lâm cảnh khốn khó, làng biển trở nên hoang tàn, xơ xác.

Bão lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề… ở Bình Định, Phú Yên - Ảnh 3.

Tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chết la liệt do lũ.

Nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ hoặc vừa được khiêng đưa vào bờ, nằm chỏng chơ. Các thuyền thúng chở đầy tôm chết, thoi thóp liên tục cập bờ để bán với giá rẻ.

Khắp nơi, tôm hùm to bằng 2-3 ngón tay chết đổ thành đống ven đường nhưng thiếu vắng người mua. Những người đàn ông buồn bã, bất lực nhìn đống tôm hùm đã bắt đầu bốc mùi, còn phụ nữ ngã khuỵu bên đống tôm, khóc nghẹn.

Ông Trần Văn Cơ (50 tuổi, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) nhớ lại, đêm lũ đổ về ông và con vẫn còn ở ngoài bè để tranh thủ dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 12. Đến giữa khuya, cha con ông Cơ đang ngủ trên bè thì nước lớn từ thượng nguồn ùn ùn đổ xuống. 

"Lũ chảy như thác, các lồng bè tôm cá của tôi bắt đầu rung lên rồi từ từ bị nước dỡ tung bật lên khỏi mặt nước, tôm, cá rào rào thoát ra ngoài. Giữa đêm tối mịt, lũ cuồn cuộn, cha con tôi dường như bất lực đứng nhìn lồng bè bị lũ dỡ phá, cá, tôm trôi hết. Hơn 20 năm nuôi trồng thủy hải sản ở đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ lớn như vậy", ông Cơ nhớ lại.

Bão lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề… ở Bình Định, Phú Yên - Ảnh 4.

Chị Trần Thị Được khóc nghẹn vì mất trắng chỉ sau đêm mưa lũ.

Trong khi đó, lũ cũng cuốn trôi làm chết hết 20.000 con tôm hùm xanh và nhiều cá của anh Trần Yêm (42 tuổi, ở phường Xuân Thành), gây tổn thất 700 triệu đồng, 16.000 con tôm hùm xanh cùng với nhiều lồng cá của anh Trần Yên (45 tuổi, cùng ở phường Xuân Thành), để lại cho anh tổn thất 600 triệu đồng.

Vợ anh Yêm, chị Trần Thị Được khóc nghẹn: "Tôm cá của tôi số thì đã nuôi được 4 đến 5 tháng, số thì hơn 14 tháng sắp thu hoạch được rồi, giờ lũ đổ về khiến vợ chồng tôi gần như trắng tay. Hiện, tôi còn vay ngân hàng 600 triệu và nợ ngoài cũng nhiều, tiền lãi hàng tháng rất cao giờ chẳng biết lấy nguồn đâu để bù đắp".

"Giờ chúng tôi lo lắng nhất là nợ nần, sợ bị siết nhà, siết tài sản. Dân nuôi tôm, cá ở đây đa số là vay mượn ngân hàng, vay tiền nóng để thả giống, cho tôm, cá ăn. Giờ mọi người đều trắng tay", chị Lê Thị Mỹ Lan (43 tuổi, vợ anh Trần Yên) cũng nói trong nước mắt.

Bão lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề… ở Bình Định, Phú Yên - Ảnh 5.

Các thuyền thúng chở đầy tôm chết, thoi thóp liên tục cập bờ để bán với giá rẻ.

 

Dũ Tuấn
Cùng chuyên mục