Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty cổ phần mới nhất

25/10/2020 15:00 GMT+7
Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vốn thấp dành cho các cá nhân, hộ gia đình. Sau thời gian hoạt động, nếu muốn chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển thì cần thực hiện các bước dưới đây.

Hồ sơ chuyển đổi thành công ty cổ phần

* Thành phần hồ sơ:

1. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế.

3. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu.

4. Dự thảo điều lệ công ty (có họ, tên và chữ ký của cổ đông sáng lập là cá nhân; người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức).

Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty cổ phần mới nhất - Ảnh 1.

Hộ kinh doanh có thể chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp.Ảnh minh họa

5. Danh sách cổ đông sáng lập:

- Danh sách cổ đông sáng lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I-7 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT;

- Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục I-8 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT;

- Danh sách người đại diện theo ủy quyền (của cổ đông là tổ chức nước ngoài) theo mẫu quy định tại Phụ lục I-10 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.

6. Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (đối với doanh nghiệp xã hội).

7. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

- Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của cổ đông.

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp tổ chức là cơ quan nhà nước) và văn bản uỷ quyền kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức.

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại pháp luật đầu tư.

8. Trường hợp không phải chủ sở hữu của doanh nghiệp trực tiếp nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:

- Đối với công dân Việt Nam: Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.

- Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

Kèm theo văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp (không bắt buộc phải công chứng, chứng thực).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Trình tự chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty cổ phần

Căn cứ Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, thủ tục thành lập doanh nghiệp từ hộ kinh doanh được thực hiện theo 03 bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Bước 3: Nhận kết quả

Khi nhận kết quả, người đại diện theo pháp luật mang giấy biên nhận giải quyết hồ sơ; nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thì người được ủy quyền phải mang văn bản ủy quyền và nộp bản sao hợp lệ một trong các loại giấy tờ sau:

+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.

+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.

* Thời hạn giải quyết:

- 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

* Lệ phí giải quyết: Miễn lệ phí

Như vậy, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty cổ phần khá đơn giản, phù hợp đối với các hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp vừa và nhỏ.

A.Vũ
Cùng chuyên mục