Thủ tướng Phạm Minh Chính ví von "ASEAN như là cô gái đẹp"
Trao đổi của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam tại Harvard Kennedy School
ASEAN là một cô gái đẹp ...
Nằm trong chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trung tuần tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ, Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ví von, ASEAN với nước Mỹ như một cô gái đẹp và chàng trai khỏe mạnh cần nhau. Bởi ASEAN là khu vực kinh tế năng động, sáng tạo (cô gái đẹp) trong khi Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh về kinh tế (chàng trai khỏe mạnh). Vì vậy, "chàng trai khỏe mạnh rất cần cô gái đẹp và dịu dàng để chăm sóc và kết duyên với nhau".
Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động nhưng tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đổi mới của Việt Nam dựa trên 3 trụ cột chính: Xóa quan liêu bao cấp, đa sở hữu, hội nhập.
Thêm vào đó, Việt Nam tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư hay đảm bảo hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật của các nhà đầu tư. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu, giải quyết vấn đề các bên quan tâm.
Tích cực hội nhập, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN
Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt hơn 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD) trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.